Sau hơn hai tháng thực hiện Chỉ thị 16, TP Hà Nội nới lỏng giãn cách, chuyển xuống thực hiện theo Chỉ thị 15 của Chính phủ. Mỗi ngày chỉ còn ghi nhận dưới 10 ca nhiễm mới Covid-19. Có thể nói, Hà Nội đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh và thành phố đang từng bước, thận trọng đưa cuộc sống về trạng thái ‘bình thường mới’.

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc Bệnh viện Phổi TW, việc dỡ bỏ phong toả, khôi phục các hoạt động kinh tế xã hội một cách an toàn là rất cần thiết. Tuy nhiên, ở thời điểm này chúng ta chưa thể chủ quan, Hà Nội vẫn phát hiện các ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng và dịch có nguy cơ bùng phát dịch trở lại bất cứ lúc nào. Vì vậy để chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, sống chung an toàn với Covid-19, Hà Nội cần có sự chuẩn bị và tính toán một cách kỹ lưỡng.

Phải làm rõ khái niệm “an toàn riêng” cho từng khu vực

Với thành phố hơn 8 triệu dân như Hà Nội thì việc triệt tiêu mầm bệnh trong cộng đồng là rất khó khả thi. Khi mở cửa trở lại với các tỉnh, thành phố khác thì cùng với đó cũng là nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài. Với thực tế hiện nay của nước ta và của Hà Nội, khái niệm “an toàn” trong trạng thái “bình thường mới” không có nghĩa là “Zero F0” như trước đây mà chấp nhận SARS-CoV-2 tồn tại nhưng không gây hậu quả nặng nề cho sức khỏe cộng đồng và không ảnh hưởng nhiều đến kinh tế xã hội.

“An toàn có hai khái niệm. Khái niệm chung là kiểm soát được dịch, không có ổ dịch bùng phát và nếu có thì dập được ngay, đồng thời giảm thiểu số người nhập viện và tử vong do Covid-19. Còn khái niệm riêng rất quan trọng. Ví dụ: thế nào là bệnh viện an toàn, cơ quan an toàn, nhà máy an toàn, trường họcan toàn, khu chợ an toàn, chuyến xe an toàn. Chúng ta phải định nghĩa rất rõ như thế thì sẽ có giải pháp để kiểm soát và sống chung an toàn với dịch bệnh.” – PGS-TS Nguyễn Viết Nhung nhấn mạnh.

Xét nghiệm nhanh, nhiều vòng tại vùng lõi ổ dịch

Trả lời câu hỏi của phóng viên VOV2, trong trạng thái “bình thường mới”, nếu một khu dân cư, một nhà máy xuất hiện ca F0 thì nên xử lý thế nào để không ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân cũng như sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho rằng: thay vì phong tỏa diện rộng như trước thì cần xác định thật trúng ổ dịch để cách ly, khoanh vùng thật gọn và dập dịch một cách nhanh nhất.

Khi hệ thống giám sát tìm ra ca F0, ca đó gọi là chỉ điểm và trên cơ sỏ đó chúng ta phải điều tra dịch tễ, truy vết, để đánh giá được khuôn khổ ổ dịch đó và khoanh vùng đúng và trúng vào ổ dịch đó. Và vùng trong lõi đó xét nghiệm rất nhanh, cứ cách ngày xét nghiệm 1 lần tất cả những người trong vùng lõi để bóc tách nguồn lây ra. Xét nghiệm khoảng 5 vòng trong 10 ngày và đặt chỉ tiêu mỗi ổ dịch phải dập tắt trong vòng 14 ngày”. PGS.TS Nguyễn Viết Nhung đề xuất.

Đồng thời, ông cũng phân tích thêm, nếu khoanh vùng quá rộng thì không thể xét nghiệm nhanh, vòng lây truyền sẽ tăng lên và ổ dịch sẽ loang rộng hơn. Cùng với xét nghiệm nhanh 2 ngày/1 lần ở vùng lõi của ổ dịch, cần mở rộng xét nghiệm khu vực lân cận với tần suất 5 ngày/ 1 lần, vòng bên ngoài nữa là 7 ngày/ 1 lần. Với phương thức như vậy, hoàn toàn có thể khống chế được dịch một cách an toàn.

Tiếp tục duy trì 5 nguyên tắc chống dịch nhưng phải thay đổi phương thức

Cùng với việc tiếp tục thực hiện 5K, vaccine và xét nghiệm là hai chiến lược mũi nhọn trong phòng chống dịch của TP Hà Nội trong thời gian tới. Theo đó, thành phố đã lên kế hoạch, dự kiến sẽ hoàn thành mũi 2 vaccine phòng Covid-19 cho những người từ 18 tuổi trở lên vào cuối tháng 11 tới đây. Về xét nghiệm, Hà Nội cũng thay đổi phương thức, không xét nghiệm trên diện rộng toàn thành phố như trước đây mà chỉ tập trung tại những khu vực xuất hiện ca F0.

Đồng quan điểm vaccine và xét nghiệm có ý nghĩa rất quan trọng để kiểm soát dịch Covid-19, song PGS-TS Nguyễn Viết Nhung cho rằng 5 nguyên tắc chung trong phòng chống dịch: “Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch” vẫn cần được duy trì thực hiện, tuy nhiên phải tính toán và rà soát lại, áp dụng phù hợp với thực tế hiện nay.

Đầu tiên đó là ngăn chặn. Hiện tại Hà Nội vẫn giữ 12 chốt kiểm soát ra vào thành phố và đó là sự thận trọng cần thiết. Nhưng không thể chốt mãi như vậy được. Vậy mở như thế nào? Tiêu chí an toàn là gì?Những người đến từ vùng xanh, những tỉnh thành mà hai tháng nay không có ca bệnh Covid-19, những khu vực mà tỉ lệ tiêm vaccine cao thì dùng thẻ xanh được không?” – PGS –TS Nguyễn Viết Nhung nêu vấn đề.

Về việc “phát hiện” sàng lọc F0, PGS-TS Nguyễn Viết Nhung cho rằng không chỉ xét nghiệm những trường hợp ho sốt trong cộng đồng mà Hà Nội còn cần tiến hành xét nghiệm định kỳ, theo một tỉ lệ nhất định, kể cả những vùng xanh để giám sát dịch.

Khi cho phép mở cửa trở lại thì Hà Nội có thể phải chấp nhận số ca mắc Covid-19 sẽ tăng cao. Theo PGS-TS Nguyễn Viết Nhung việc tiếp theo mà thành phố nên củng cố và nâng cao năng lực điều trị cho tuyến y tế cơ sở, nhất là trạm y tế xã phường để có thể chăm sóc, điều trị F0 ngay tại chỗ mà không phải dồn về các bệnh viện tuyến trên dẫn đến quá tải như một số tỉnh thành phía Nam thời gian qua. Đồng thời, huy động sự tham gia của các đoàn thể, chính quyền phường xã trong quản lý, điều trị F0 bởi đến 80% là mắc bệnh nhẹ và có thể điều trị tại nhà.

Để sống an toàn với Covid-19 trong trạng thái “bình thường mới, không chỉ là những thay đổi trong chiến lược phòng chống dịch của Hà Nội mà còn cần sự tham gia một cách có ý thức của chính những người dân đang sinh sống, làm việc và học tập tại Thủ đô. “Tất cả mọi người nên có ý thức tự bảo vệ sức khỏe của mình và cũng chính là bảo vệ cho người thân và cộng đồng. Thực hiện theo đúng hướng dẫn 5K của Bộ Y tế thì cũng đã giảm thiểu được rất nhiều nguy cơ lây nhiễm” – PGS – TS Nguyễn Viết Nhung nhấn mạnh.