Sau rất nhiều tính toán, cân nhắc, Bộ Y tế đã quyết định triển khai chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát các F0 tại nhà và cộng đồng từ ngày 16/8 đối với TP.HCM trước khi triển khai thí điểm tại cộng đồng.

Theo đó, các F0 sẽ được cung cấp tài liệu hướng dẫn chi tiết để biết cách tự chăm sóc, theo dõi sức khỏe và liên lạc với các cơ sở y tế trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng trở nặng để được giúp đỡ. Việc cung cấp và sử dụng thuốc trong chương trình được tư vấn, hướng dẫn, theo dõi, kiểm soát chặt chẽ, của các chuyên gia, cán bộ y tế... Có nghĩa là sẽ có sự hỗ trợ và kiểm soát, giám sát một cách cụ thể đối với các F0 điều trị tại nhà.

Theo BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. HCM), mô hình thí điểm này sẽ góp phần giảm tải cho ngành y tế, đồng thời tạo điều kiện cho các bệnh nhân nặng nhất được tập trung chữa trị kịp thời.

Thực tế là tại TP. HCM khi mà số ca mắc Covid-19 ngày một tăng cao thì không ít các trường hợp F0 cũng đã không thể tiếp cận được với các cơ sở y tế và buộc phải thực hiện cách ly, điều trị tại nhà. Có những trường hợp đã vượt qua được, nhưng cũng có trường hợp tự điều trị không hiệu quả, dẫn đến những kết cục buồn. Chính vì vậy BS Trương Hữu Khanh cho rằng chỉ những trường hợp F0 không có triệu chứng hoặc có những triệu chứng nhẹ mới nên điều trị tại nhà. Còn những trường hợp có yếu tố nguy cơ như là người thừa cân béo phì, người có bệnh nền không ổn định và người trên 65 tuổi thì nên đến ngay cơ sở y tế để tiếp cận điều trị sớm.

Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, bất cứ ai cũng có thể trở thành F0, F1, F2... Tuy nhiên, khi không may trở thành F0 và cách ly điều trị tại nhà thì điều quan trọng nhất là phải sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về tâm lý cũng như kiến thức để có thể đối diện với dịch bệnh và vững vàng vượt qua. Một trong những điều lo lắng nhất của việc điều trị F0 tại nhà, đó chính là làm thế nào để tránh sự lây nhiễm chéo và lây lan ra ngoài cộng đồng. Theo quan điểm của BS Trương Hữu Khanh, bệnh nhân Covid-19 chỉ cần có phòng riêng là hoàn toàn có thể tự cách ly, điều trị tại nhà, chứ không cần thiết phải nhà riêng hay nhà sống trong khu biệt lập.

BS Trương Hữu Khanh cũng lưu ý các F0 điều trị tại nhà không được tiếp xúc với người thân và tuyệt đối không được ra khỏi nhà, bởi vì mọi tiếp xúc của người F0 đều mang virus. Đồ tiếp tế cho người F0 để trên một cái bàn, người tiếp tế phải đeo khẩu trang, kính chắn giọt bắn. Trong trường hợp không có nhà vệ sinh riêng dành cho F0 thì F0 phải là người tắm cuối cùng trong ngày và là người phải dọn dẹp nhà vệ sinh để tránh lây nhiễm cho những người thân khác trong gia đình.

Có thể nói, điều trị F0 tại nhà là một giải pháp trong bối cảnh hiện nay khi mà số ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng vẫn tăng lên một cách chóng mặt. Bên cạnh yếu tố tâm lý cũng như các phương pháp điều trị bệnh lý thì chế độ dinh dưỡng, tập luyện của các F0 cũng vô cùng quan trọng. Ngoài việc uống đủ nước, ngủ đủ giấc thì các F0 phải sinh hoạt như một người bình thường, vận động, tập luyện và làm việc như trước kia. Theo BS Trương Hữu Khanh, các F0 không được ăn uống kiêng khem mà phải cố gắng ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng kể cả khi mất vị giác, khứu giác.

Hiện nay các ca F0 trong cộng đồng tại TP. HCM ngày một tăng mạnh, theo con số thống kê sơ bộ cho thấy số ca F0 mới phát hiện trong ngày (ghi nhận ngày 16/8), thì F0 tại cộng đồng đã nhiều hơn cả F0 trong khu cách ly, phong tỏa. Điều này cho thấy, áp lực đối với ngành y tế thành phố Hồ Chí Minh là vô cùng lớn. Chính vì vậy việc thực hiện cách ly, điều trị tại nhà với F0 là một trong những giải pháp cần được quan tâm, đặc biệt với những vùng “tâm dịch” như TP.HCM hay Bình Dương… và với những ca F0 có biểu hiện bệnh nhẹ hoặc không triệu chứng, bởi điều này sẽ làm giảm áp lực cho các cơ sở y tế khi số bệnh nhân nặng ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên để đảm bảo an toàn thì các F0 và người thân trong gia đình cần phải có đầy đủ kiến thức, kỹ năng, kể cả tâm lý để chủ động đối mặt với dịch bệnh, phòng tránh lây nhiễm chéo cũng như lây lan ra ngoài cộng đồng.

Và tất nhiên, sự chia sẻ, hỗ trợ kịp thời, thường xuyên và hiệu quả - đó chính là điều mà các bệnh nhân Covid-19 luôn mong chờ ở lực lượng y tế, để họ có thể vững vàng vượt qua dịch bệnh.

Mời nghe âm thanh tại đây: