Đến chiều ngày 23/4, Bộ Y tế cho biết đã có 374.255 liều vaccine được tiêm cho trẻ trong độ tuổi này.

Thống kê của Cục Y tế dự phòng cho thấy cả nước có hơn 11,8 triệu trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, trong đó 3,6 triệu trẻ đã mắc COVID-19 thuộc đối tượng trì hoãn tiêm sau 3 tháng kể từ ngày mắc (dự kiến sẽ tiêm khoảng tháng 7 - 8/2022), 8,2 triệu trẻ còn lại bắt đầu tiêm từ ngày 14/4 và trong quý 2/2022 sẽ tiêm xong 2 mũi cho trẻ. Công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế trong năm 2022.

Đến nay, chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em 5 - 12 tuổi đang được triển khai tại nhiều địa phương trên toàn quốc với các điểm tiêm được đặt tại ngay trường học và trạm y tế, riêng một số một số trẻ thuộc diện đặc biệt sẽ tiêm tại bệnh viện.

Việc tiêm chủng sẽ triển khai trước từ lứa tuổi lớn nhất trong nhóm này, đó là học sinh lớp 6, sau đó sẽ hạ dần độ tuổi. Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia có hướng dẫn cụ thể trong mỗi lần cấp vaccine, lô vaccine nào sẽ tiêm cho nhóm tuổi trẻ em.

Trong các buổi tiêm ở trường học, nếu có nhiều nhóm tuổi cùng một lúc sử dụng 2 loại vaccine Moderna và Pfizer, thì việc tiêm sẽ triển khai theo khối lớp. Ví dụ, nếu tiêm vaccine Pfizer cho nhóm học sinh lớp 5 và lớp 4, thì vaccine Moderna sẽ tiêm cho học sinh lớp 3, 2 và 1.

"Các đợt tiêm sẽ được thực hiện tại trường học như tiêm chủng cho nhóm trẻ từ 12 - 17 tuổi trước đây, theo hình thức tiêm cuốn chiếu toàn bộ học sinh của từng lớp, từng trường, rồi mới chuyển sang trường khác; tiêm tại các địa bàn dễ tiếp cận trước để nhanh chóng phủ vaccine cho trẻ đến trường an toàn"- PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết.

Theo TS.BS. Lê Kiến Ngãi, Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương, do số lượng trẻ lớn, trong chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 trên toàn quốc cho lứa tuổi này, nên không thể cho tất cả trẻ đến tiêm tập trung ở các bệnh viện.

"Đầu tiên, tất cả trẻ sẽ được tiếp cận với các điểm tiêm tại cộng đồng, tại các trường học và trạm y tế. Thông qua quá trình sàng lọc, nếu trẻ có các vấn đề sức khỏe như bệnh mạn tính, bệnh bẩm sinh; phát hiện trẻ có tim phổi bất thường; trẻ có phản vệ độ 3 với bất kỳ tác nhân nào thì sẽ đến các cơ sở khám chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên để được sàng lọc, đánh giá và tổ chức tiêm chủng" - TS. Ngãi nói.

Đến nay ghi nhận một số trường hợp phản ứng nhẹ sau tiêm, chủ yếu là sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, đau đầu, mệt mỏi... Không ghi nhận trường hợp phản ứng nghiêm trọng sau tiêm vaccine phòng COVID-19 ở trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi. Sơ bộ ban đầu tỷ lệ phản ứng thông thường sau tiêm vaccine phòng COVID-19 ở trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi thấp hơn thông báo của nhà sản xuất.