Tại hội nghị trực tuyến thảo luận thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các địa phương ngày 29/6 tại Bộ Y tế, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết lĩnh vực y tế được phân bổ 14.000 tỷ đồng để đầu tư, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân các tuyến.

Kế hoạch phân bổ nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội lĩnh vực y tế. Ngày 10/7 là hạn chót để Bộ Y tế gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư danh mục các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn này.

"Các tỉnh, thành phố, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng rà soát lần cuối, gửi danh mục dự án về Bộ Y tế trước ngày 4/7 để kịp tổng hợp, báo cáo Bộ Kế hoạch và đầu tư", thứ trưởng đề nghị.

Về giải pháp nhằm giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh, ông Nguyễn Hoàng Long, vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), cho biết thời gian qua, Bộ Y tế tập trung vào 3 nhóm giải pháp chính: chủ động đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị tăng cường năng lực, hiệu quả công tác mua sắm, đấu thầu; đẩy mạnh cấp phép, quản lý giá thuốc; đẩy mạnh cấp phép, quản lý giá trang thiết bị y tế…

Ông Lê Thanh Dũng, giám đốc Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia (Bộ Y tế) cũng cho biết, trung tâm đã gửi thư đàm phán giá lần 1 với trên 60 thuốc biệt dược, thuốc gốc có giá trị sử dụng lớn. Trước đó, Bộ Y tế bắt đầu đàm phán giá thuốc biệt dược từ năm 2019 nhưng đợt này là đợt có số lượng thuốc đàm phán giá lớn.

Đồng thời, trong ngày 29/6, Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia đã mở hồ sơ đề xuất tài chính các gói thầu cung cấp thuốc thuộc danh mục đấu thầu mua sắm tập trung quốc gia giai đoạn 2022-2023, bao gồm gói cung cấp thuốc cho các tỉnh phía Bắc với 46 nhà thầu có hồ sơ đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, được mở hồ sơ đề xuất tài chính; gói cung cấp cho các tỉnh miền Trung với 45 nhà thầu và miền Nam cũng 45 nhà thầu.

Dự kiến trong tháng 7, trung tâm sẽ công bố kết quả lựa chọn nhà thầu. Theo trung tâm, đợt đấu thầu này sẽ đấu thầu tập trung gần 200 thuốc dùng số lượng nhiều và giá trị sử dụng lớn.

Trước đó, Bộ Y tế cho biết có 28/34 Sở Y tế được khảo sát cho biết có thiếu thuốc điều trị cho người bệnh tại địa phương, 12/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc tại đơn vị.