Vaccine cứu sống hàng triệu người mỗi năm
Năm 1796 đánh dấu một bước ngoặt lớn, một tiến bộ vượt bậc của y học - đó là việc phát minh ra vaccine. Kể từ đó, nhân loại đã thực sự có một công cụ hữu hiệu để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, tuổi thọ của con người gia tăng trong thời gian qua là nhờ sự cải thiện các điều kiện vệ sinh, dinh dưỡng và các thành tựu y học, trong đó có việc phát minh ra vaccine.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet gần đây cho thấy, trong vòng 50 năm qua, vaccine đã cứu sống khoảng 154 triệu người. Trước khi có vaccine, bệnh đậu mùa đã gây tử vong cho khoảng 2 triệu người trên thế giới mỗi năm. Tuy nhiên, sau những chiến dịch tiêm chủng toàn cầu, căn bệnh này đã bị xóa sổ vào năm 1979. Tiêm chủng cũng giúp rất nhiều quốc gia trên thế giới loại trừ được bệnh uốn ván sơ sinh, bại liệt, ho gà…
Tại nước ta, năm 1985, chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai trên phạm vi cả nước với 6 loại vaccine phòng bệnh. Đến nay, chương trình đã cung cấp 12 loại vaccine miễn phí, bảo vệ hàng triệu trẻ em và phụ nữ có thai không bị mắc, không bị tử vong cũng như tránh được di chứng của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Hơn 30 năm qua, nước ta đã thanh toán được bệnh đậu mùa, bệnh bại liệt, loại trừ được bệnh phong, uốn ván sơ sinh, giảm hẳn số ca mắc bệnh bạch hầu, ho gà và đang tiến tới khống chế bệnh sởi, viêm gan B thông qua chương trình tiêm chủng mở rộng.
Những thành quả mà vaccine mang lại trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng vô cùng to lớn và đã được chứng minh bằng thực tế trên toàn thế giới cũng như tại nước ta qua nhiều thập kỷ.
Tuy nhiên, kết quả đó đang bị đe dọa bởi trào lưu antivacine đang lan truyền trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, việc không có đủ vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng khiến tỉ lệ trẻ được tiêm phòng bị sụt giảm cũng là nguyên nhân tạo ra những khoảng trống miễn dịch trong cộng đồng.
Theo các chuyên gia y tế, tại nước ta, các dịch bệnh truyền nhiễm vẫn diễn biến hết sức phức tạp và vẫn là nguy cơ lớn đe dọa sức khỏe của cả cộng đồng. Để kiểm soát dịch bệnh thì biện pháp truyền thống nhưng hiệu quả nhất mà không có can thiệp y tế nào sánh bằng vẫn là vaccine.

Để mọi người ở mọi lứa tuổi đều được vaccine bảo vệ
TS.BS Nguyễn Quốc Thái - Trung tâm Bệnh nhiệt đới - BV Bạch Mai cho biết, dù ở độ tuổi nào, tiêm chủng vẫn mang lại lợi ích to lớn trong việc phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, giảm gánh nặng bệnh tật, giảm thiểu biến chứng và tử vong.
“Với trẻ nhỏ, hệ miễn dịch còn non nớt, việc phòng chống bệnh tật rất khó khăn thì tiêm vaccine phòng bệnh đúng là rất hợp lý và hiệu quả. Tuy nhiên, khi chúng ta lớn lên rồi già đi, sức đề kháng do vaccine tạo ra từ khi còn nhỏ có thể càng ngày càng yếu đi và khả năng phòng chống bệnh tật bị giảm sút theo thời gian. Đây chính là lý do tại sao những người ở độ tuổi trung niên, người cao tuổi vẫn cần phải rà soát lại để xem xét có cần thiết phải tiêm nhắc lại các vaccine phòng bệnh mà trước đây đã tiêm hay không"- BS Thái nói.
Bên cạnh đó thì cũng có nhiều bệnh xuất hiện ở người trưởng thành như bệnh Zona thần kinh. Hoặc với bệnh cúm thì virus cúm có tính chất thay đổi kháng nguyên và bắt buộc chúng ta phải tiêm phòng vaccine cúm hằng năm.
"Như vậy thì người trưởng thành, đặc biệt là phụ nữ mang thai, người cao tuổi rất cần được tiêm vaccine phòng bệnh chứ không còn giới hạn chỉ các em bé mới nên tiêm phòng. Tất cả mọi người đều có quyền được sử dụng vaccine để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân cũng như cộng đồng” - BS Nguyễn Quốc Thái nhấn mạnh.
Việc một số người muốn để cơ thể tự sản sinh ra kháng thể chống lại bệnh tật, thuận theo tự nhiên, theo BS Nguyễn Quốc Thái, đó là quan điểm cực đoan. Nếu nhìn lại lịch sử, khi chưa có vaccine, mỗi khi có làn sóng dịch bệnh tràn từ lục địa này sang lục địa khác nó đã quét đi hàng triệu sinh mạng. May mắn là các nhà khoa học đã phát minh ra vaccine và càng ngày càng có nhiều chế phẩm giúp con người phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm một cách hiệu quả.
“Việc không tiêm vaccine phòng bệnh là quyền tự quyết của mỗi người. Tuy nhiên, chúng tôi khuyên các bạn nên nhìn nhận vai trò tích cực của vaccine. Việc không sử dụng vaccine có thể làm cho dịch bệnh lan tràn, không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn ảnh hưởng đến cộng đồng. Và nếu nhìn nhận ở một khía cạnh khác, việc không sử dụng vaccine để ngăn ngừa bệnh tật còn là tội ác đối với cộng đồng khi mà để cho mầm bệnh lan tràn, gieo rắc rộng rãi” - BS Nguyễn Quốc Thái nêu quan điểm.
Khẳng định về vai trò của vaccine trong ngăn ngừa bệnh dịch và giảm gánh nặng bệnh tật, BS Nguyễn Quốc Thái mong muốn tất cả mọi người đều nhận thức đầy đủ về lợi ích của loại thuốc đặc biệt này cũng như tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Đồng thời, việc cung ứng vaccine đầy đủ, giúp mọi người dân được sử dụng vaccine khi có nhu cầu cũng đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng niềm tin vào phương pháp phòng bệnh này.
“Chúng tôi cũng rất mong muốn các cấp lãnh đạo ủng hộ chủ trương miễn phí tiêm vaccine cho mọi người để thúc đẩy hơn nữa việc tiếp cận vaccine phòng bệnh, từ những căn bệnh thường gặp cho đến những bệnh mà có tỉ lệ mắc ít. Và chúng ta biết vaccine không chỉ có tác dụng lẻ tẻ trên một vài người mà nó sẽ phát huy hiệu lực bảo vệ tốt nhất khi toàn bộ cộng đồng cùng tham gia thì lúc đó chúng ta có được miễn dịch cộng đồng” - BS Nguyễn Quốc Thái nói.