Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đang được Quốc hội thảo luận, đánh giá cao về tính đột phá trong đổi mới tư duy quản lý công chức. Một trong những nội dung được quan tâm là sàng lọc đội ngũ không đủ năng lực và từng bước xóa bỏ tâm lý "yên vị cả đời” trong bộ máy công vụ.
Theo quy định tại Điều 31 của dự thảo, công chức sẽ được đánh giá và xếp loại theo bốn mức: Hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt, hoàn thành và không hoàn thành nhiệm vụ. Công chức không hoàn thành nhiệm vụ có thể bị bố trí lại vào vị trí có thứ bậc thấp hơn, hoặc cho thôi việc. Nếu trong 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ, công chức sẽ bị buộc thôi việc.
Việc đánh giá được thực hiện minh bạch, dựa trên yêu cầu cụ thể của từng vị trí việc làm thay vì các tiêu chí hình thức, cảm tính. Kết quả đánh giá được lưu vào hồ sơ công chức và công khai trong cơ quan, đơn vị.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đánh giá cao định hướng đổi mới trong dự thảo: “Việc đánh giá công chức căn cứ vào kết quả sản phẩm cụ thể và đạo đức công vụ sẽ tạo cơ sở để bố trí lại, đào tạo hoặc cho thôi việc công chức không đáp ứng yêu cầu. Như vậy, chúng ta có thể từng bước xóa bỏ tư duy biên chế suốt đời.”

Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc bổ sung tinh thần “dám nghĩ, dám làm” trong tiêu chí đánh giá để khuyến khích đổi mới sáng tạo trong đội ngũ công chức. Đồng thời kiến nghị Chính phủ cần rà soát các quy định về khen thưởng, thi đua để đảm bảo người đứng đầu cơ quan mạnh dạn đánh giá công tâm, không bị ảnh hưởng bởi thành tích thi đua của đơn vị.
Tuy đồng tình với mục tiêu đổi mới, nhiều đại biểu cho rằng cần làm rõ tính pháp lý và điều kiện áp dụng của việc cho thôi việc để đảm bảo quyền lợi cho công chức.
Đại biểu Lò Thị Luyến (Điện Biên) cho rằng: “Việc cho thôi việc sau một năm không hoàn thành nhiệm vụ cần có điều kiện ràng buộc cụ thể. Nếu không có vị trí việc làm phù hợp để bố trí lại thì mới xem xét cho thôi việc. Tránh trường hợp quy định chung chung dẫn đến bị lạm dụng.”
Đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) thì đặt vấn đề: “Việc cho thôi việc trong trường hợp đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ có phải là một hình thức kỷ luật không? Nếu có, thì cần quy định quy trình, thủ tục rõ ràng để tránh nhầm lẫn với hình thức kỷ luật buộc thôi việc được quy định riêng tại Điều 42.”

Theo tờ trình của Chính phủ, những sửa đổi lần này nhằm chuyển đổi phương thức quản lý công chức theo vị trí việc làm, thay vì cứng nhắc theo ngạch, bậc. Đặc biệt, việc bỏ quy định thi nâng ngạch, thay bằng đánh giá thực chất theo yêu cầu công việc, được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng nhân lực và tạo động lực phát triển cho công chức.
Các nội dung sửa đổi cũng làm rõ trách nhiệm người đứng đầu trong sử dụng và đánh giá công chức. Đây được xem là bước tiến quan trọng trong xây dựng đội ngũ công chức chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp.