Tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hường (Trưởng đơn nguyên điều trị Covid-19) cho biết đang điều trị 108 F0, trong đó 31 F0 thuộc tầng 3 (nặng, nguy kịch) và 77 F0 thuộc tầng 2 (mức độ trung bình). Thực tế, viện này được Sở Y tế Hà Nội giao 50 giường điều trị bệnh nhân tầng 2 và 250 giường bệnh nhân tầng 3. "Như vậy, hiện bệnh viện bị quá tải ở tầng 2, còn bệnh nhân tầng 3 ít", bác sĩ cho hay.

Bệnh viện Đa khoa Đức Giang và Hà Đông cũng gặp tình trạng tương tự. Bác sĩ Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đức Giang cho biết cơ sở đang điều trị 200 F0, trong đó 60% bệnh nhân tầng 2, trong khi số giường tầng này được giao là 50.

Bệnh viện Đa khoa Hà Đông được giao 200 giường điều trị, chia đều cho bệnh nhân tầng 2 và 3. Đại diện bệnh viện cho biết tính đến sáng 14/12, cơ sở này đang điều trị 176 F0, trong đó số F0 nặng là 20, 156 trường hợp còn lại là bệnh nhân tầng 2. Theo một bác sĩ tại bệnh viện, tình trạng F0 tăng đang gây quá tải cho nhân viên y tế, khó khăn nhất của đơn vị này là thiếu nhân lực, đặc biệt nhân lực hồi sức tích cực để đảm nhiệm điều trị F0 nặng, nguy kịch.

Hà Nội thực hiện thích ứng an toàn, nới lỏng nhiều hoạt động từ 20/10 - lúc ca nhiễm hàng ngày được kiểm soát dưới 20. Sau hai tháng, số ca tăng lên 700-800 ca một ngày, riêng hôm 14/12 cao nhất với 900 ca. Toàn thành phố có 8.425 F0 đang điều trị, trong đó 149 bệnh nhân nặng, nguy kịch điều trị ở tầng 3 (chiếm 1,76%); hơn 1.200 bệnh nhân điều trị tại tầng 2 (15,13%) và tầng 1 là hơn 7.000 (83,09%).

Thành phố đã có hướng dẫn phân luồng, tiếp nhận và điều trị người bệnh Covid-19 theo mô hình 3 tầng. Trong đó tầng 1 là tuyến y tế cơ sở và tại nhà; tầng 2 gồm các bệnh viện đa khoa cấp huyện, do thành phố phụ trách; tầng 3 là các bệnh viện tuyến thành phố, hạng I và tuyến Trung ương. Cơ sở điều trị cần chủ động chuyển người bệnh đến các cơ sở điều trị ở tầng thấp hơn để quản lý, điều trị tình trạng ổn định; ưu tiên bố trí giường bệnh tầng 2 và tầng 3 để tiếp nhận bệnh nhân mới.

PGS.TS Hoàng Bùi Hải (Phó giám đốc bệnh viện Điều trị Người bệnh Covid-19) cho biết đơn vị hoạt động theo mô hình điều trị đa tầng (tức tầng 1 - thu dung F0 không triệu chứng; tầng 2 - bệnh nhân nhẹ; tầng 3 - ca nặng). Hiện cơ sở này điều trị 200 F0, trong đó 20 F0 nặng, còn lại là bệnh nhân trung bình - đây cũng là tầng điều trị có nguy cơ quá tải nhất.

Để khắc phục tình trạng quá tải giường tầng 2, bác sĩ Hải cho rằng Hà Nội cần quản lý F0 nhẹ tại nhà, theo dõi khi F0 chuyển nặng và phân tầng đúng từ tuyến cơ sở, nặng mới đưa vào viện, giảm gánh nặng cho y tế.

Về phía bệnh viện cũng đã chuẩn bị nhiều biện pháp ứng phó. Đầu tiên là thắt chặt tiếp nhận bệnh nhân, hạn chế nhận F0 tầng 1 hoặc chỉ nhận F0 nhẹ (nhưng có bệnh nền, chưa tiêm hoặc đã tiêm một mũi) để tập trung nhân lực phục vụ bệnh nhân tầng 2. Đối với F0 đến điều trị, qua quá trình khám sàng lọc thấy tình trạng nhẹ, bệnh viện sẽ liên hệ để chuyển người bệnh đến cơ sở y tế phù hợp. Ngoài ra, đơn vị này mở rộng khu điều trị, có giường dự trữ để chủ động trong mọi tình huống, nhất là khi "F0 nhẹ chưa được cách ly hết tại nhà" và sẵn sàng phối hợp với bệnh viện trung ương, bệnh viện thành phố tiếp nhận người bệnh.

Bệnh viện cũng đảm bảo oxy cho 500 bệnh nhân HFNC, thở máy cùng lúc. Hai bồn oxy dung tích 18 m3 và 15 m3 đảm bảo phục vụ người bệnh trong 48 giờ liên tục; hệ thống điều hòa không khí riêng cho từng phòng bệnh để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo.

Bệnh viện Đức Giang cũng hạn chế nhận F0 ở tầng 1 và 2, đồng thời góp ý với Sở Y tế Hà Nội để phân luồng hợp lý hơn. Bác sĩ Hường kiến nghị Sở Y tế đào tạo cán bộ y tế cấp huyện và phường biết cách theo dõi, giám sát, phân luồng và phân tầng người bệnh một cách khoa học.

Sở Y tế Hà Nội hiện chưa đưa ra bình luận. Còn đại diện Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội cho biết tiếp tục yêu cầu các đơn vị tuyến dưới thực hiện theo hướng dẫn của Sở Y tế, phân luồng F0 đúng, ưu tiên giường cho các bệnh nhân nặng nhằm giảm tỷ lệ tử vong.