Ngoài khoảng 50 triệu liều Pfizer về trong quý 4, số vaccine từ các nguồn khác cũng về Việt Nam, song chưa rõ kế hoạch cụ thể.

Đã có hơn 420.000 liều vaccine Pfizer đã được chuyển về Việt Nam và phân bổ đến các địa phương để tiêm chủng. Vaccine Pfizer cũng được Bộ Y tế cho phép dùng tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 là vaccine AstraZeneca nếu nguồn cung khan hiếm và theo lựa chọn của người được tiêm.

Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 17,6 triệu liều vaccine Covid-19, gồm vaccine của AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sputnik-V, Sinopharm. Trong đó, hơn 16 triệu liều vaccine đã được Bộ Y tế phân bổ theo 16 đợt cho các địa phương, đơn vị. Một triệu liều vaccine Sinopharm do một doanh nghiệp mua theo ủy quyền của UBND TP. HCM đã về thành phố hôm 31/7.

Cũng theo Bộ Y tế, riêng quý 3 sẽ tiếp nhận khoảng 30 triệu liều vaccine, hiện đã nhận gần 14 triệu liều các loại AstraZeneca, Moderna, Pfizer, Sinopharm. Các nguồn vaccine đến từ hợp đồng mua của Công ty VNVC với AstraZeneca, Bộ Y tế mua của Pfizer, TP HCM mua của Sinopharm và Cơ chế Covax cung ứng, quà tặng từ chính phủ Nhật, Mỹ, Trung Quốc.

Các địa phương phải lập kế hoạch tiêm nhanh chóng nhất có thể nhưng phải đảm bảo an toàn

Trong cuộc họp trực tuyến các tỉnh thành sáng 02/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong quý 3 số lượng vaccine về chưa nhiều, tuy nhiên các địa phương phải tăng tốc tiêm vaccine ngay. Những nơi ít vaccine vẫn phải đẩy nhanh tốc độ tiêm để vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chuẩn bị cho các đợt vaccine sẽ về trong thời gian tới. Nguyên tắc là "có vaccine nào tiêm ngay vaccine đó, không lựa chọn vaccine", bởi tất cả loại vaccine Bộ Y tế đã cấp phép đều được Tổ chức Y tế Thế giới cấp phép và các nước sử dụng.

Bộ trưởng đánh giá tốc độ tiêm chủng của một số địa phương chậm, có nơi quá thận trọng, chỉ tổ chức tiêm ở bệnh viện. Đồng thời yêu cầu không giới hạn điểm tiêm, không giới hạn số lượng tiêm trong một buổi, thời gian chờ đợi sau tiêm thay đổi tùy theo các địa phương quyết định. Tại các vùng phong tỏa càng phải tổ chức tiêm ngay.

Sàng lọc sớm, sàng lọc trước các nhóm người đăng ký tiêm để phân loại, chỉ định điểm tiêm phù hợp tình trạng sức khỏe người dân. Các địa phương phải lập kế hoạch tiêm nhanh chóng nhất có thể nhưng phải đảm bảo an toàn.

Tính tới sáng 02/8, gần 6,5 triệu liều vaccine đã được tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân cả nước. Trong đó, gần 660.000 người đã tiêm đủ 2 mũi.

7 tỉnh triển khai tiêm vaccine đạt trên 70% số liều được phân bổ, bao gồm: Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Phước, Kon Tum, Hải Dương, Đăk Nông, Hà Nam.

Việt Nam đặt mục tiêu cuối năm 2021 đầu 2022 có thể đạt miễn dịch cộng đồng, khoảng 70% dân số được tiêm vaccine Covid-19.