Hái nấm rừng – thói quen tiềm ẩn rủi ro
Trên các nền tảng mạng xã hội, không hiếm gặp các video ghi lại cảnh người dân đi rừng hái nấm – từ nấm mối, nấm trắng đến các loại nấm có hình dáng đẹp mắt. Những hình ảnh đó, dù có thể vô tình, đã khiến nhiều người tin rằng nấm mọc tự nhiên trong rừng là an toàn và bổ dưỡng.
Một đoạn clip thu hút hơn 250.000 lượt xem ghi lại cảnh một người đàn ông đi hái nấm mối trong rừng, sau đó chế biến thành món ăn gia đình. Tuy nhiên, dưới góc nhìn chuyên môn, loại nấm này có hình dáng khá giống với các loại nấm độc: thân trắng, tán xòe như ô. Những điểm tương đồng này khiến người thiếu kiến thức rất dễ nhầm lẫn.
Thói quen sử dụng nấm rừng đặc biệt phổ biến ở các khu vực miền núi. Do điều kiện tự nhiên thuận lợi, người dân thường tự đi hái nấm làm thực phẩm thay vì mua nấm trồng được bán ở chợ. Tuy nhiên, cũng chính từ đây đã xảy ra không ít tai nạn thương tâm.
Một bệnh nhân 57 tuổi ở Bắc Kạn được đưa vào viện cấp cứu sau khi ăn nấm trắng mọc ở bìa rừng. Bà cho biết, chỉ nghĩ rằng “nấm độc thì phải có màu sặc sỡ”, còn nấm trắng thì tưởng lành. Thực tế, đây là một trong những hiểu lầm phổ biến nhất khiến người dân dễ chủ quan.
“Có tuyên truyền trên loa phát thanh, nhưng chỉ nói chung chung là không được hái nấm về ăn. Còn loại cụ thể nào độc thì không rõ. Lúc ấy cháu nó bảo: nhà cháu ăn suốt, chẳng sao đâu… Thế là mình cũng tin…”

Vì sao ngộ độc nấm lại nguy hiểm?
Theo thống kê từ Bộ Y tế, mỗi năm nước ta ghi nhận hàng trăm ca ngộ độc nấm, trong đó không ít trường hợp tử vong. Các vụ việc chủ yếu tập trung vào mùa xuân và đầu hè – thời điểm nấm rừng mọc mạnh.
BS Bùi Thị Trà Vi, Khoa Dinh dưỡng và tiết chế – Trường Đại học Y Hà Nội, cho biết: "Ngộ độc nấm thường chia thành 2 nhóm: xuất hiện sớm (dưới 6 giờ) – ít nguy hiểm hơn, và xuất hiện muộn (sau 6 giờ) – rất nguy hiểm, gây tổn thương gan, thận, thần kinh và có thể dẫn đến tử vong".
Đặc biệt, một số loại nấm độc chứa chất amatoxin hoặc monomethylhydrazine, có khả năng gây tử vong cao với tỷ lệ lên đến 40–80%. Nguy hiểm hơn, các triệu chứng thường khởi phát chậm, từ 6 đến 12 tiếng sau khi ăn – khiến người bệnh dễ chủ quan và bỏ qua giai đoạn “vàng” để xử lý.
“Khi đã xuất hiện triệu chứng, tiên lượng điều trị sẽ rất xấu. Ngay cả khi được cứu chữa, bệnh nhân vẫn có thể mang di chứng kéo dài do tổn thương gan, thận hoặc thần kinh.” – BS Bùi Thị Trà Vi cho biết.

Người quen rừng – vẫn dễ sai lầm
Một nghịch lý: chính những người sống gần rừng, thường xuyên hái nấm lại là nhóm dễ gặp tai nạn. Theo BS Trà Vi, lý do là bởi:“Rất nhiều loại nấm độc trông giống hệt nấm ăn được. Trong khi đó, kinh nghiệm dân gian như ‘nấm có côn trùng đậu là an toàn’ hoặc ‘nấm mọc ở nơi quen thuộc là không độc’ đều không có cơ sở khoa học.”
Sự thay đổi về khí hậu, môi trường cũng khiến các loài nấm phát triển phức tạp hơn, đa dạng hơn. Nhiều loài nấm độc ngày nay không còn có vẻ ngoài "sặc sỡ", mà có hình dáng khá đơn giản, dễ gây nhầm lẫn.
Ngay khi nghi ngờ ngộ độc nấm, việc đầu tiên là phải đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Trong lúc chờ cấp cứu, có thể thực hiện một số biện pháp sơ cứu ban đầu:
Gây nôn nếu người bệnh còn tỉnh táo và chưa nôn nhiều.
Uống nhiều nước, bù oresol để giảm mất nước.
Dùng than hoạt tính (1g/kg thể trọng) nếu có sẵn.
Tuyệt đối không dùng rượu hay các chế phẩm chứa cồn – vì sẽ làm độc chất ngấm nhanh hơn.
Giữ lại mẫu nấm hoặc thức ăn từ nấm để bác sĩ xác định độc tố.
Trong trường hợp hôn mê, co giật: đặt bệnh nhân nằm nghiêng, đảm bảo đường thở thông thoáng.
Về mặt dinh dưỡng, nấm là thực phẩm có lợi, giàu đạm, chất xơ và khoáng chất. Tuy nhiên, theo BS Bùi Thị Trà Vi, Khoa Dinh dưỡng tiết chế, Trường Đại học Y Hà Nội: “Người dân chỉ nên sử dụng những loại nấm có nguồn gốc rõ ràng, được trồng và kiểm định an toàn. Tuyệt đối không ăn nấm dại – dù mọc ở chỗ quen thuộc hay được người quen ‘truyền kinh nghiệm”.