Hiện có 4 bệnh viện là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Việt Đức thực hiện thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 33 của Chính phủ.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, giá khám bệnh, chữa bệnh đang áp dụng theo khung giá do Bộ Y tế ban hành. Tuy nhiên mức phí này thu theo giá bảo hiểm y tế chưa được tính đúng tính đủ các yếu tố cấu thành. Đây là thách thức rất lớn với đơn vị trong việc đảm bảo nguồn thu, khả năng đầu tư và tái tạo nguồn lực.

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai dẫn chứng cụ thể: “Bảo hiểm y tế hiện mới tính 4/7 và giá này được xây dựng từ năm 2019 đến nay đã có những cái cần phải thay đổi. Do đó cần tính đúng tính đủ để trên 7 yếu tố cấu thành giá. Thêm nữa, từ 2019 đến này có rất nhiều yếu tố đã thay đổi nhưng chưa được cập nhật như giá cả đã leo thang"

Là một đại biểu Quốc hội, nhưng cũng là người đã có nhiều năm công tác trong ngành y, bà Phạm Khánh Phong Lan (đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh) đồng tình với việc phải có giải pháp đối với cơ chế tài chính ở các bệnh viện công lập hiện nay:

“Hiện nay đa số các bệnh viện ít nhất cũng đã tự chủ 1 phần, rất ít bệnh viện được bao cấp hoàn toàn. Tuy nhiên việc tự chủ bệnh viện hiện nay chỉ là Nhà nước không chi lương. Bệnh viện tự lo trả lương cho cán bộ nhân viên. Điều đó dẫn tới phải thu trên đầu người bệnh.

Nếu giá khám chữa bệnh bảo hiểm y tế rẻ quá thì các bệnh viện phải trông chờ vào nguồn thu dịch vụ. Có 2 vấn đề hiện nay các bệnh viện rất lúng túng, thứ nhất là về tài chính, thứ 2 là về tổ chức.”

Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đang trình Quốc hội đề xuất phương án xây dựng giá dịch vụ khám chữa bệnh theo Luật giá.

Một hệ thống y tế có sự "phân cấp" giá dịch vụ hợp lý là mong muốn của bất cứ bệnh viện nào.

“Bộ Y tế cần có những hướng dẫn rõ về quy định giá dịch vụ y tế để cho các cơ sở y tế có căn cứ để xây dựng những giá phù hợp để triển khai phục vụ người bệnh trong thời gian sớm nhất. Với giá dịch vụ y tế theo yêu cầu cần có hướng dẫn rõ về cách thức xây dựng, cấu phần để tạo ra giá trị dịch vụ đó, để chúng tôi đảm bảo thực hiện đúng quy định và đáp ứng nhu cầu người dân.” TS Phạm Bá Hiền – Giám đốc Bệnh viện Đống Đa mong mỏi.

Tuy nhiên áp dụng khung giá dịch vụ đối các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập lại là vấn đề cần cân nhắc. Theo đại biểu Lê Văn Khảm (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương), hầu hết các đơn vị ngoài công lập đều tự đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và trả lương cho bác sĩ. Hơn nữa quy mô đầu tư giữa các bệnh viện tư nhân là khác nhau chưa kể đến từng vùng miền, do vậy không thể đánh đồng áp dụng khung giá chung.

Việc nhà nước phải thống nhất quản lý về giá với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là cần thiết. Tuy nhiên việc áp dụng một mức giá trên toàn quốc đối với các cơ sở y tế ngoài công lập như đề xuất có thể không phù hợp. Thậm chí khung giá này được áp dụng sẽ khó khuyến khích và không phát triển được lực lượng tư nhân tham gia vào đầu tư. Trong khi theo chủ trương của Đảng và Nhà nước thì từ nay đến năm 2025 chúng ta phải nâng tỷ trọng y tế tư nhân từ 10% lên 15 đến 20%.

Để quản lý giá ở cơ sở y tế ngoài công lập, đồng thời đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, đại biểu tỉnh Bình Dương đề xuất: "Nhà nước vẫn có thể kiểm soát được giá ở mấy phương diện. Thứ nhất là thuốc, vật tư y tế và hóa chất là giá do Nhà nước kiểm soát được rồi. Hai nữa về khấu hao trang thiết bị nhà nước có cơ sở dữ liệu rất là lớn để cung cấp cho cơ sở y tế trong công lập cũng như là tư nhân tham chiếu đề xây dựng giá cho mình.

Ngay cả khi đã có quy định về giá thì cơ sở khám chữa bệnh tư nhân nếu có cách thức mua sắm thương lượng giá của nhà cung cấp thiết bị hay là họ liên tục đổi mới quy trình quản lý thì vẫn có thêm phần tích lũy từ hiệu quả của cách thức quản lý đó. Như vậy, luật lần này cần quy định rõ về nguyên tắc xác định giá cũng như quy định về niêm yết công khai, đặc biệt là có những cơ chế kiểm soát từ cơ quan quản lý Nhà nước nữa để đảm bảo giá cả là hợp lý vì chúng ta cần phải bảo vệ quyền lợi của bệnh nhân nữa chứ không phải đưa ra khung giá cho bệnh viện tư nhân".

Liên quan đến việc cho cơ sở khám chữa bệnh tư nhân tự định giá dịch vụ khám chữa bệnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh "phải thận trọng". Theo Chủ tịch Quốc hội, nên chia 3 mức và nên có chính sách khác nhau:

"Một là y tế công lập. Hai là y tế công lập đã xã hội hóa, tự chủ chi thường xuyên, chi đầu tư và Y tế tư nhân, doanh nghiệp xã hội. Ba là tư nhân hoàn toàn vì mục tiêu lợi nhuận. Đối với 3 loại hình này cần có chính sách khác nhau và vai trò của Nhà nước đối với từng loại hình cũng cần phải tính toán kỹ lưỡng.

Sau này sửa Luật Bảo hiểm y tế, về cơ bản chúng ta phải tính toán nâng mệnh giá bảo hiểm y tế lên. Vì mức hiện nay khá thấp so với nhiều nước trong khi phạm vi chi trả tương đối rộng."