Theo BS Bùi Thị Trà Vi, Khoa Dinh dưỡng & Tiết chế - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, hệ tiêu hóa khỏe mạnh có thể thực hiện tốt chức năng tiêu hóa, hấp thu một cách bình thường, không có hoặc ít mắc các bệnh đường tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy, đau bụng, phân sống…

Nếu hệ tiêu hóa không khỏe mạnh có thể dẫn đến việc kém hấp thu nước, điện giải, các chất dinh dưỡng, các yếu tố vi lượng… Điều này dẫn đến sự thiếu hụt của các vitamin, protein, khoáng chất, carbohydrate và các chất dinh dưỡng khác quan trọng cho sự phát triển và sự điều hòa của cơ thể, nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

BS Trà Vi cho biết, dinh dưỡng đúng sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, thông qua cung cấp năng lượng, các chất dinh dưỡng, vi chất dinh dưỡng; từ đó giúp tăng cường chức năng của các cơ quan trong cơ thể.

Để duy trì một hệ tiêu hóa khỏe mạnh bằng cách tiêu thụ các loại thực phẩm phù hợp và áp dụng thói quen ăn uống hợp lý, BS Trà Vi khuyến cáo:

Uống đủ nước sạch mỗi ngày theo nhu cầu khuyến nghị

Nước chiếm tỷ lệ 70-80% trọng lượng cơ thể tùy lứa tuổi, có vai trò vận chuyển chất dinh dưỡng, oxy cần thiết cho các tế bào, nuôi dưỡng tế bào trong mọi hoạt động của cơ thể.

Đối với quá trình tiêu hoá, nước giúp hòa tan các vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng từ thức ăn. Ngoài ra, một tác dụng quan trọng khác của nước là giúp phòng chống táo bón do làm tăng quá trình nhu động ruột và làm mềm khối phân.

Chính vì vậy, cần cung cấp đủ nước là điều cần thiết cho sức khỏe nói chung và sức khỏe hệ tiêu hóa nói riêng.

Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến nghị với nhu cầu về nước được tính như sau:

Người từ 12 tuổi trở lên: uống từ 8 – 10 đơn vị nước/ngày

Trẻ từ 3 – 11 tuổi: uống từ 6 – 8 đơn vị nước/ngày

Phụ nữ có thai: uống từ 9 - 11 đơn vị nước/ngày.

Phụ nữ cho con bú: uống khoảng 12 đơn vị nước/ngày.

Trong đó 1 đơn vị nước tương đương 1 cốc 200ml nước.

Cung cấp đủ chất xơ

Chất xơ là một món quà của "mẹ thiên nhiên" ban tặng cho chúng ta giúp tăng cường và bảo vệ sức khoẻ. Cùng với nước, chất xơ giúp điều hòa nhu động ruột, hạn chế táo bón hoặc tiêu chảy. Chất xơ giúp duy trì sức khỏe của đường ruột như giảm nguy cơ bệnh trĩ, giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng, ngăn ngừa các bệnh về ruột kết…

Chất xơ thường được chia ra chất xơ hòa tan, và chất xơ không hòa tan. Chất xơ hòa tan giúp giảm lượng cholesterol và glucose trong máu, được tìm thấy trong yến mạch, đậu Hà Lan, đậu, táo, trái cây họ cam quýt, cà rốt, lúa mạch... Chất xơ không hòa tan giúp giảm táo bón, thường có trong bột mì nguyên cám, các loại hạt, đậu và rau, như súp lơ, đậu xanh và khoai tây,…

Men tiêu hóa, men vi sinh

Men tiêu hóa, men vi sinh tốt cho sức khỏe của người sử dụng. Giúp thúc đẩy là tăng cường khả năng tiêu hóa, ngăn ngừa các vấn đề tiêu hóa, bổ sung lợi khuẩn. Tuy nhiên khi sử dụng các loại thực phẩm chức năng hỗ trợ hệ tiêu hóa bạn cần được các bác sỹ dinh dưỡng tư vấn. Ngoài ra bạn cũng có thể bổ sung men vi sinh tự nhiên thông qua việc ăn hoặc uống sữa chua hàng ngày.