Trong chế độ ăn hàng ngày, chúng ta thường chỉ chú ý đến việc cung cấp sao cho đủ tinh bột, chất đạm và chất béo mà đôi khi bỏ qua chất xơ vì cho rằng nó không có giá trị dinh dưỡng. Tuy nhiên, theo TS.BS Phạm Thị Thúy Hòa – Viện trưởng Viện Dinh dưỡng ứng dụng, chất xơ là thành phần không có giá trị của thực phẩm nhưng nó được coi là thực phẩm chức năng. Bởi đây là một chất rất cần đối với cơ thể, có tác dụng hỗ trợ trong việc điều trị và ngăn ngừa các bệnh lý như tim mạch, rối loạn mỡ máu, thừa cân béo phì, táo bón, tiểu đường.

Chất xơ có hai loại gồm chất xơ thô và chất xơ hòa tan. Chất xơ thô có nhiều trong rau củ quả. Các loại rau củ chứa hàm lượng chất xơ nhiều nhất, tiếp theo là rau lá và cuối cùng là rau quả. Còn quả chín thì chứa nhiều chất xơ hòa tan. Ngoài ra, các loại hạt như đậu, đỗ, lạc, vừng, gạo lức… cũng chứa rất nhiều chất xơ. Chất xơ thô được ví như một cái chổi có tác dụng “quét” những chất dư thừa trong đường tiêu hóa và thải ra ngoài mau chóng. Chất xơ hòa tan dính và mềm, có thể hấp thụ nước và trở thành một chất dạng gel ở bên trong đường tiêu hóa. Chất xơ hòa tan ngăn chặn hoặc làm chậm quá trình hấp thụ đường và cholesterol vào trong máu, giúp điều hòa đường huyết đồng thời bảo vệ bạn khỏi các bệnh tim mạch.

BS Thúy Hòa cho biết, trung bình một người trưởng thành nên cung cấp cho cơ thể khoảng 28g chất xơ. Theo một số nghiên cứu, hiện nay, lượng chất xơ mà chúng ta đáp ứng cho cơ thể hằng ngày còn rất thiếu so với nhu cầu. Vì vậy, tăng cường rau xanh, quả chín, các loại đậu đỗ… trong mỗi bữa ăn sẽ giúp bạn có đủ chất xơ cần thiết. Ví dụ: trong 100g su hào thì có 6g chất xơ, 100g rau muống có 2g chất xơ, 1 lạng đỗ xanh có 4g chất xơ. Để có đủ lượng chất xơ trong khẩu phần ăn mỗi ngày, BS Phạm Thị Thúy Hòa khuyên chúng ta nên ăn đa dạng các loại thực phẩm, không nên chỉ ăn hoa quả thay rau hoặc ngược lại.

Tuy nhiên bệnh nhân AIDS hoặc người già, người bệnh nằm lâu, ít vận động không nên ăn nhiều chất xơ thô vì dễ gây tắc ruột. Những trường hợp này nên bù lại bằng chất xơ hòa tan thông qua việc ăn nhiều hoa quả.