Trong cơ thể chúng ta có 3 chất sinh năng lượng chính là gluxit, lipit và protid… Khi ăn uống dư thừa sẽ dẫn đến các bệnh lý chuyển hóa trong đó thường gặp nhất là đái tháo đường. Nguyên nhân của bệnh đái tháo đường là do ăn quá dư thừa các loại thực phẩm có chỉ số đường cao, cơ thể không thể hấp thu được hết.

Như vậy, chế độ dinh dưỡng là nguyên nhân gây bệnh và cũng là biện pháp điều trị. Bởi khi đã mắc đái tháo đường mà không điều chỉnh chế độ ăn uống thì kể cả đã sử dụng thuốc hạ đường huyết isulin cũng không thể kiểm soát được đường huyết.

Tuy nhiên, điều chỉnh chế độ ăn phù hợp chứ không phải nhịn ăn. Ths.BS Bùi Thị Trà Vy, Khoa Dinh dưỡng và tiết chế - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết, có nhiều trường hợp bệnh nhân bị hạ đường huyết rất nguy hiểm do kiêng khem quá mức.

Ngoài ra, bác sỹ cũng chỉ ra những thực hành dinh dưỡng sai lầm khác của người mắc bệnh đái tháo đường, đó là:

-Nhiều bệnh nhân không ăn cơm gạo mà thay thế bằng miến, mì khô, bún, phở. Nhưng thực tế lượng gluxit có trong các loại thực phẩm này vẫn rất cao, thậm chí trong miến gạo, miến dong lượng gluxit còn cao hơn cả cơm gạo.

-Nhiều bệnh nhân giảm ăn bữa chính nhưng lại ăn nhiều vào bữa phụ cũng là một sai lầm. Ví dụ, sáng chỉ ăn chút bún phở, cơm, nhưng giữa buổi uống nước cam, hoa quả, ăn bánh thì lượng đường huyết trong ngày sẽ liên tục cao.

Vì thế, bác sỹ Bùi Thị Trà Vy chỉ ra 3 nguyên tắc trong dinh dưỡng với bệnh nhân đái tháo đường như sau:

- Ăn đúng giờ 3 bữa sáng trưa tối. Việc ăn đúng giờ giúp người bệnh sử dụng thuốc đúng giờ. Tạo ra nhịp điệu sinh học giúp cơ thể tiết hoocmon dẫn tới tiếp thu thức ăn tốt hơn, hạn chế tăng đường huyết. Tuyệt đối không được bỏ bữa ăn nào.

-Bổ sung chất xơ. Người mắc bệnh đái tháo đường cần tăng lượng rau gấp đôi so với trước đây. Nên ăn nhiều rau vào lúc đầu bữa, sẽ giúp người bệnh giảm cảm giác đói, ít “háo” cơm hơn. Ngoài ra, rau sẽ bao bọc niêm mạc dạ dày giúp các loại thức ăn khác ngấm vào từ từ, không làm tăng đường huyết đột ngột.

-Lựa chọn thực phẩm có lượng đường thấp.

Về các nhóm thực phẩm khuyến khích và hạn chế đối với người mắc đái tháo đường, bác sỹ Bùi Thị Trà Vy khuyến cáo 3 nhóm chính:

Nhóm ngũ cốc: Người mắc đái thường đường nên ăn các loại ngũ cốc nguyên cám. Gạo trước đây xay xát kỹ thì nay có thể xay dối hơn hoặc ăn gạo lứt, ngũ cốc, yến mạch thay thế. Hạn chế bánh mì trắng, miến, mì khô. Nếu có sử dụng thì nên ưu tiên sử dụng mì tươi vì bên trong sợi mì có chứa lượng nước nhất định giúp giảm chỉ số đường huyết khi người bệnh dung nạp.

Thịt cá: Vì đây là nhóm không chứa đường nên người bệnh có thể sử dụng bình thường. Tuy nhiên, với người mắc đái tháo đường nhiều năm thường dễ mắc rối loạn chuyển hóa lipit, mỡ máu nên hạn chế ăn nội tạng, dầu chiên rán nhiều lần, các loại thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ…

Rau củ quả: Người mắc bệnh đái tháo đường ưu tiên sử dụng rau xanh lá, không nên ăn bí ngô, khoai tây vì đây là 2 loại không được xếp vào nhóm rau xanh. Ngoài ra, người bệnh có thể ăn các loại quả có ít vị ngọt như: cam, bưởi, củ đậu, dưa chuột, thanh long, roi, táo. Nếu ăn chuối thì chọn loại quả chín ương vì vẫn còn giữ được chất xơ.

Thực phẩm bổ sung: nếu uống sữa, ăn bánh kẹo nên lựa chọn những sản phẩm dành cho bệnh nhân tiểu đường. Không lựa chọn loại ít đường vì lượng đường trong đó vẫn đủ để ảnh hưởng đến quá trình điều trì.

Có một nguyên tắc “kiềng ba chân” trong điều trị bệnh tiểu đường, đó là: dinh dưỡng, luyện tập và dùng thuốc. Vì thế, khi đã mắc bệnh, đừng xem nhẹ bất kỳ một yếu tố nào khiến cho quá trình điều trị bị ảnh hưởng.