Bác sĩ Dương Thị Hồng Lý- Trưởng khoa Ung bướu và Chăm sóc giảm nhẹ- BV Lão khoa TW cho biết, trong giai đoạn thời tiết đang chuyển mùa từ thu sang đông như hiện nay, bệnh viện có tình trạng gia tăng số lượng bệnh nhân đến khám vì các triệu chứng về hô hấp, các vấn đề xương khớp... Nhiều bệnh nhân ngoại trú cũng phàn nàn về tình trạng đau đầu, chóng mặt, rối loạn giấc ngủ, đo huyết áp dao động nhiều. Đặc biệt, thời gian gần đây, có một số lượng không nhỏ người cao tuổi đến khám vì sốt xuất huyết. Đây thực sự là mối lo ngại lớn vì sốt xuất huyết là khởi nguồn cho một loạt các bất lợi về sức khỏe của người cao tuổi, thậm chí đe dọa tính mạng của người bệnh.

"Giai đoạn giao mùa thu – đông ở miền Bắc, thời tiết từ mát mẻ chuyển sang lạnh, ẩm, có khi hanh khô; nhiệt độ có sự chênh lệch giữa ngày và đêm nhiều là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển, ảnh hưởng đến sức khỏe. Bên cạnh đó, ở người cao tuổi có sự suy giảm chức năng hoạt động của các hệ cơ quan như hệ tim mạch, hệ miễn dịch, hệ miễn dịch… Đây là nguyên nhân khiến người cao tuổi dễ bị nhiễm bệnh hoặc bệnh tái phát do hệ miễn dịch đã suy giảm." - bác sĩ Dương Thị Hồng Lý giải thích.

Các bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi khi thời tiết giao mùa gồm:

- Bệnh về hô hấp: Đường hô hấp rất nhạy cảm với thời tiết của mùa lạnh, dễ bị các bệnh như viêm mũi họng, viêm khí quản, phế quản, hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ,viêm phổi... Người hút thuốc lá, thuốc lào, uống rượu, bia nhiều nguy cơ mắc bệnh hơn. Các bệnh này nếu không phát hiện hoặc điều trị ngay có thể dẫn đến mạn tính hoặc nguy hiểm cho tính mạng. Bệnh có thể tái phát bởi sức đề kháng kém, hoặc do dùng thuốc không thường xuyên hoặc do cả hai nguyên nhân.

- Bệnh về tim mạch: như tăng huyết áp, đột quỵ, nhồi máu cơ tim...

- Bệnh nhiễm trùng: Nhiễm trùng hô hấp, nhiễm trùng tiết niệu, nhiễm trung tiêu hóa…

- Các bệnh về cơ, xương, khớp: loãng xương, thoái hóa khớp, viêm khớp...

Bác sĩ Dương Thị Hồng Lý lưu ý, nhiều người cao tuổi khi mắc các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp không có biểu hiện trên lâm sàng điển hình, chẳng hạn như không sốt hoặc sốt không cao như ở người trẻ nên dễ bị nhầm bệnh nhẹ. Người cao tuổi lại thường đi khám bệnh muộn khi bệnh đã nặng.

Ngoài ra cũng có nhiều người cao tuổi do ngại phiền đến con cháu nên khi có dấu hiệu mắc bệnh thì thường không thông báo cho con cháu biết để đi khám bệnh sớm, chỉ khi bệnh diễn biến nặng vượt quá khả năng chịu đựng thì người cao tuổi mới chịu đến các cơ sở y tế để được thăm khám. Điều này cũng làm cho bệnh nặng lên và có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Các biện pháp và phòng bệnh đối với người cao tuổi trong giai đoạn chuyển mùa

Bác sĩ Dương Hồng Lý hướng dẫn, trong giai đoạn giao mùa như hiện nay, để nâng cao hệ miễn dịch, phòng bệnh cho người cao tuổi một cách chủ động, cần lưu ý:

-Xây dựng một chế độ dinh dưỡng cân đối, hợp lý, đủ chất dinh dưỡng, chế biến mềm, dễ tiêu hóa. Người cao tuổi không nên ăn quá no trong1 bữa mà cần chia thành các bữa ăn nhỏ. Chế độ ăn cần đảm bảo đủ lượng chất xơ, đủ lượng nước để tránh táo bón.

-Sinh hoạt điều độ, vận động hợp lý: Luyện tập đều đặn giúp cho cơ thể giữ được khối lượng cơ, tránh teo cơ cứng khớp, giúp máu lưu thông tốt, tinh thần sảng khoái, góp phần ổn định đường máu, mỡ máu, huyết áp. Khi luyện tập thể dụng người cao tuổi cần lưu ý chọn chỗ kín gió, ấm áp, quần áo phù hợp, chọn giầy dép có độ ma sát cao tránh trơn trượt trong quá trình vận động. Người cao tuổi cũng cần khởi động kỹ trước khi tập

-Vệ sinh môi trường sống luôn sạch sẽ, tránh ẩm mốc, tránh tạo môi trường thuận lợi cho các vi sinh vật có hại phát triển

-Tiêm phòng đầy đủ: Người cao tuổi nên được tiêm phòng các vaccine phòng bệnh cúm và phế cầu hàng năm.

-Đối với những người cao tuổi mắc các bệnh lý mạn tính cần tuân thủ điều trị theo chế độ điều trị của bác sĩ và tái khám đúng hẹn. Khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường cần liên hệ ngay với bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế để được phát hiện bệnh sớm, điều trị sớm tránh bệnh nặng lên.

“Tuy số lượng người cao tuổi đến khám tại BV Lão khoa TW trong thời gian này có sự tăng lên nhưng với sự cộng tác liên khoa, Ban giám đốc BV luôn có sự điều động nhân lực hợp lý. Cùng với việc triển khai cổng đăng ký hẹn khám trước qua điện thoại, đồng thời lịch tái khám của các bệnh nhân trong các chương trình quản lý bệnh mạn tính đã được các bác sĩ phân bổ hợp lý, tránh việc quá tải bệnh nhân, nên dù bệnh nhân đông trong những ngày thời tiết giao mùa chuyển lạnh nhưng hầu hết không phải chờ đợi quá lâu.” – BS Dương Thị Hồng Lý cho biết thêm.