Các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu máu từ 56 bệnh nhân mới có kết quả xét nghiệm khẳng định nhiễm Covid-19. Trong đó có 37 người nhiễm biến thể Delta và 19 người nhiễm Omicron. Tất cả đều bị bệnh nhẹ, với các triệu chứng giống như cúm, không ai phải nhập viện.

Tiến sĩ Amy Barczak của Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (Mỹ), cho biết, dù nhiễm biến thể nào hay đã tiêm vaccine hay chưa, nhóm bệnh nhân trên vẫn thải virus trong vòng 6 ngày sau khi có triệu chứng; 25% số ca thải virus ra ngoài trong 8 ngày.

“Mặc dù không biết chính xác cần bao nhiêu virus sống để truyền bệnh cho người khác, dữ liệu này cho thấy những người nhiễm Covid-19 nhẹ có nguy cơ lây nhiễm trung bình trong 6 ngày và đôi khi lâu hơn”, Tiến sĩ Barczak giải thích.

"Các quyết định về cách ly và đeo khẩu trang cần tính đến những thông tin trên, bất kể biến thể nào đang phổ biến hoặc tình trạng tiêm chủng của bệnh nhân trước đó”.

Hiện nay, nhiều nước đã giảm số ngày cách ly của bệnh nhân Covid-19. Một số nơi không yêu cầu đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

Vào cuối tháng 12/2021, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến nghị người nhiễm Covid-19 nên cách ly trong 5 ngày, miễn là bệnh tiến triển hoặc không có triệu chứng. Sau đó, họ cần đeo khẩu trang và tiếp tục theo dõi thêm 5 ngày.

Theo CDC Mỹ, thời gian ủ bệnh trung bình của các ca nhiễm Omicron khoảng 3 ngày. Thậm chí, một số triệu chứng xuất hiện chỉ 33 giờ sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh.

Thời gian ủ bệnh của Omicron rõ ràng ngắn hơn so với chủng gốc (từ 5 ngày trở lên) và biến thể Delta (4 ngày).

CDC Mỹ giải thích, nghiên cứu phát hiện hầu hết mọi người lây lan SARS-CoV-2 trong 1-2 ngày trước khi bộc lộ các triệu chứng và 2-3 ngày sau đó.

Giáo sư William Schaffner, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Đại học Vanderbilt, nói: “Bất kể thời gian bạn lây nhiễm Omicron bao lâu, biến thể này dễ lây lan hơn nhiều so với các biến thể trước đó”. Lý do là người bệnh thải ra nhiều virus hơn.

WHO theo dõi các dòng phụ của Omicron

Ngày 7-3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết họ đang theo dõi một số dòng phụ của biến thể Omicron, gồm BA.1, BA.1.1, BA.2 và BA.3. Đồng thời xem xét dữ liệu thực tế về việc liệu các dòng phụ của Omicron có gây "bệnh nặng hơn" trong thử nghiệm trên chuột lang hay không.

Bà Maria Van Kerkhove, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu WHO, nhấn mạnh Omicron vẫn là "một biến thể đáng lo ngại". "Những dòng phụ nổi bật đã được phát hiện trên thế giới là BA.1, BA.1.1 và BA.2. Ngoài ra còn có BA.3 và những dòng phụ khác", bà Kerkhove nói.

Cuối tháng 11-2021, WHO đã đưa Omicron vào danh sách "các biến thể đáng lo ngại" của virus SARS-CoV-2. Omicron là chủng có nhiều đột biến nhất của virus SARS-CoV-2, đã lan rộng ra hơn 150 quốc gia/vùng lãnh thổ tính đến 8-1-2022.

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Medical Virology cho thấy BA.1 và BA.2 có sự khác biệt về protein gai, nhưng không có đột biến cụ thể nào trong protein gai của BA.3. BA.3 có chứa kết hợp các đột biến trên protein gai của BA.1 và BA.2.

Dù cả ba dòng đều lan rộng trên thế giới song tốc độ lây lan của ba dòng này khác nhau. Nghiên cứu cho thấy BA.1 chiếm ưu thế hơn các dòng khác, có thể là do sự khác biệt về đột biến trong protein gai - nơi virus lây lan và xâm nhập tế bào chủ.

Theo nghiên cứu, BA.3 gây ra số ca bệnh thấp nhất trong 3 dòng phụ. Nguyên nhân là do BA.3 mất 6 đột biến từ BA.1 và có 2 đột biến từ BA.2. Trong khi đó, BA.1 hiện đang là dòng phổ biến nhất, nhưng dòng BA.2 đang lây lan nhanh do có khả năng lây cao hơn 30% so với BA.1.

Nghiên cứu nêu rõ cho đến nay Omicron vẫn được cho là gây bệnh nhẹ, nhưng "cũng có thể phát triển một số đột biến" khiến người bệnh tiến triển nặng.

Trước đó, theo Hãng tin AFP ngày 23-2, bà Kerkhove cho biết dữ liệu thực tế trên người cho thấy BA.1 và BA.2 không khác nhau về nguy cơ gây bệnh nặng ở người. "Vì vậy, liên quan đến tỉ lệ nhập viện, mức độ gây bệnh nặng là như nhau ở hai dòng này", bà Kerkhove nói thêm.

Ngoài ra, báo cáo gần đây của Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh (UKHSA) cho thấy hiệu quả vắc xin chống lại việc mắc COVID-19 có triệu chứng từ BA.2 là 70% và BA.1 là 63% ít nhất 2 tuần sau tiêm liều ba.

Trong khi đó, một nghiên cứu gần đây của Viện Huyết thanh Statens (SSI) tại Đan Mạch cho thấy người mắc một dòng phụ của Omicron có khả năng tái nhiễm một dòng khác, dù khả năng này là thấp.