BS Nguyễn Như Vinh - Trưởng khoa thăm dò chức năng hô hấp, trưởng phòng khám hậu COVID-19 Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - cho biết trong quá trình khám cho bệnh nhân hậu COVID-19, không ít bệnh nhân kể lại rằng họ đã mắc COVID-19 từ 3 - 4 lần.

Theo các triệu chứng lâm sàng bác sĩ cho rằng có thể người bệnh đã mắc 1 lần với chủng Delta và 2 - 3 lần chủng Omicron. Triệu chứng nhiều bệnh nhân kể lại đều nhẹ như sốt, ho, sổ mũi...

Cũng theo BS Vinh, người đã từng mắc COVID-19 sẽ giảm nguy cơ mắc lại COVID-19 hơn (khoảng 30%) so với những người chưa từng mắc. Tuy nhiên những người từng mắc COVID-19 có xu hướng chủ quan trong phòng bệnh, chính điều này làm họ dễ có nguy cơ bị tái nhiễm.

Mới đây Bộ Y tế Lào cảnh báo những người từng nhiễm biến thể Omicron có nguy cơ tái nhiễm cao gấp 2 - 3 lần so với những biến thể khác.

Theo Bộ Y tế Lào, mặc dù trong tháng đầu tiên sau khi mắc và khỏi bệnh COVID-19, người bệnh ít có nguy cơ bị tái nhiễm, nhưng nếu người đó nhiễm biến thể Omicron, nguy cơ tái nhiễm cao hơn. Lý do là người từng nhiễm biến thể phụ BA.1 của Omicron vẫn có thể nhiễm thêm biến thể phụ BA.2.

PGS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa y tế công cộng Trường đại học Y dược TP.HCM - cho biết cùng với tình hình nhiều quốc gia trên thế giới, nguy cơ tái nhiễm ở người từng nhiễm biến chủng Omicron ở nước ta tương đối cao hơn những biến chủng khác.

Tuy nhiên trong bối cảnh tỉ lệ tiêm vaccine cao, số ca mắc mới mỗi ngày dần giảm sâu thì việc nhiễm hay tái nhiễm không quá nguy hiểm.

BS Trương Hữu Khanh- Phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm TP.HCM dẫn chứng một nghiên cứu ở Đan Mạch công bố gần đây, trong 2 triệu người từng bị nhiễm chủng BA.1 thì có khoảng 50 người tiếp tục nhiễm biến chủng BA.2 trong khoảng thời gian 1 - 2 tháng. Triệu chứng của những bệnh nhân tái nhiễm nhẹ.

"Tỷ lệ tái nhiễm này rất thấp, không có gì đáng quan ngại", BS Trương Hữu Khanh cho biết.

Lý giải nguyên nhân vì sao biến chủng Omicron có nguy cơ tái nhiễm cao hơn những biến chủng khác, PGS Dũng cho biết chủng Omicron có nhiều biến chủng phụ (BA.1, BA.2, BA.2.1, BA2.2, BA.2.3 và BA.3), do đó khả năng "trốn" miễn dịch và dễ dàng tái nhiễm hơn.

Ngoài ra miễn dịch COVID-19 cũng không bền vững và sẽ giảm dần theo thời gian.

Bên cạnh đó, những người suy giảm miễn dịch hay khả năng sinh kháng thể trung hòa thấp, có tình trạng phơi nhiễm thường xuyên hay người cao tuổi mắc bệnh nền... có nguy cơ tái nhiễm cao hơn những người có sức khỏe bình thường, tuân thủ tốt các biện pháp phòng chống dịch.

"Tùy mỗi quốc gia, con người mà nguy cơ tái nhiễm ở biến chủng Omicron sẽ khác nhau. Nó phụ thuộc tình hình dịch của một quốc gia, hành vi phòng bệnh mỗi cá nhân tốt hay không, tình trạng tiêm vaccine phòng COVID-19, sức khỏe hiện tại... Vì thế trong khoa học thường không nói nguy cơ cụ thể là bao nhiêu mà chỉ là tương đối", ông Dũng chia sẻ thêm.

Để hạn chế thấp nhất nguy cơ tái nhiễm, theo ông Dũng, người dân vẫn tham gia các hoạt động xã hội, làm việc và học tập bình thường, tuy nhiên luôn lưu ý phải tiếp tục duy trì các biện pháp phòng chống dịch, bảo vệ người nhóm nguy cơ cao, tiêm vaccine phòng COVID-19 khi đến lịch...

Trong bối cảnh kỳ nghỉ lễ dài ngày (dịp 30/4 và 1/5) sắp đến, ông Dũng cho rằng việc người dân vui chơi, nghỉ dưỡng trong kỳ nghỉ lễ khi có nhu cầu là cần thiết.

Tuy nhiên, ở những người nghi ngờ nhiễm hoặc nhiễm COVID-19 trong thời gian này cần ý thức không được đi du lịch, vui chơi để đảm bảo an toàn cho chính mình và những người xung quanh, đặc biệt nhóm người cao tuổi và chưa tiêm vaccine.