Mặc dù đã hơn 3 tuổi những bé Bông con chị Nguyễn Thu Hà ở Mỹ Đình, Hà Nội mới được tẩy giun 1 lần duy nhất sau khi bị mẩn ngứa kéo dài. Chị Hà cho biết, lúc con được hơn 1 tuổi đã từng bị mẩn ngứa, nghe mọi người khuyên nên tẩy giun cho con chị cũng đã mua thuốc về cho con uống và tình trạng mẩn ngứa đã khỏi. Từ đó chị chưa cho con uống thuốc tẩy giun thêm lần nào.
Tương tự, trường hợp bé Khoai Tây 4 tuổi, con chị Mai Vy ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cũng mới tẩy giun sau một lần nổi mẩn ngứa liên tục. Chị Vy kể: “Con còn nhỏ nên cứ nghĩ cho con ăn uống sạch sẽ thì không cần tẩy giun. Đến lúc con được 4 tuổi thì có biểu hiện ngứa rồi đau bụng râm ran, đêm không ngủ được, cho đi khám, bác sĩ khuyên tẩy giun định kỳ 6 tháng 1 lần cho con vì trẻ con dễ nhiễm giun…”.
Còn bé Nguyễn Minh Tú 7 tuổi ở Ninh Bình đã phải nhập viện điều trị tại tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ thuộc Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương sau khi có biểu hiện sốt cao, ngứa ở hai bắp chân, người gầy sụt cân kéo dài. Theo chị Nguyễn Thị Thêu mẹ của Tú, thấy con sốt cao chị mua thuốc hạ sốt cho con uống nhưng không đỡ. Đưa con đi khám ở tỉnh, bé Tú được chỉ định chuyển lên tuyến trung ương điều trị, chị Thêu mới ngỡ ngàng khi biết con bị nhiễm ký sinh trùng trong máu.
“Cháu bị nhiễm ấu trùng giun đũa trong máu, khám phát hiện ra bệnh thì em mới nghĩ đến đứa thứ hai ở nhà, con bé con cũng bị ngứa suốt, mấy hôm nữa cũng phải cho cháu đi khám" - chị Thêu cho biết.
Thực tế, nhiều cha mẹ chưa nhận thức đúng về những nguy cơ nhiễm giun sán ở trẻ cũng như hệ quả mà tình trạng này mang lại. Chỉ đến khi trẻ có các biểu hiện thực thể như mẩn ngứa, chậm tăng cân, sốt cao hay thậm chí tắc ruột… cha mẹ mới ý thức được tầm quan trọng của việc tẩy giun định kỳ.
Nguy cơ nhiễm giun ở trẻ
Theo PGS.TS Đỗ Trung Dũng - Trưởng khoa Ký sinh trùng - Viện Sốt rét và Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, ở nước ta thường gặp các loại giun đường ruột như: Giun đũa, giun tóc và giun móc. Đối tượng thường hay bị nhiễm giun là học sinh tiểu học, trẻ em lứa tuổi mầm non, đặc biệt ở một số nơi trẻ em từ 12 đến 24 tháng tuổi đã có thể bị nhiễm giun. Khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là 2 vùng có tỷ lệ nhiễm giun cao nhất cả nước.
"Tỷ lệ nhiễm giun ở Hà Giang có thể lên đên 31 %, Điện Biên là 32%, Lai Châu là 23%, Lào Cai có thể lên tới 40% và Kon Tum khoảng độ 22%" - PGS.TS Đỗ Trung Dũng thông tin.
Trẻ bị nhiễm giun là do ăn phải trứng giun có trong thức ăn, nước uống bị ô nhiễm hoặc qua bàn tay bẩn, ấu trùng giun xâm nhập qua da. Đối với một số loại giun như giun móc, ấu trùng giun sẽ xâm nhập cơ thể qua da hay niêm mạc do tiếp xúc với đất bẩn.
Các bệnh do giun, sán ký sinh làm cho trẻ bị suy dinh dưỡng, thiếu máu, ảnh hưởng đến sự phát triển cả về thể chất và tinh thần của trẻ. Hầu hết các trẻ bị nhiễm giun, sán đều nhẹ cân hơn so với trẻ cùng lứa tuổi. Những trẻ bị nhiễm giun, sán với số lượng nhiều sẽ bị ảnh hưởng đến việc học tập do không đủ sức khỏe để đi học và thường xuyên bị mất tập trung. Bên cạnh đó, trẻ còn có nguy cơ giun chui ống mật, tắc ruột do giun, viêm tắc đường mật do sán lá gan nhỏ, viêm não, màng não có thể gây tử vong.
PGS.TS Đỗ Trung Dũng khuyến cáo, cha mẹ cần lưu ý một số biểu hiện nhiễm giun ở trẻ như: "đau bụng lâm râm, chướng bụng, mẩn ngứa, trẻ có thể mất cảm giác ngon miệng. Nhiễm giun nặng còn gây thiếu máu, mệt mỏi, buồn nôn và ói mửa, trẻ sẽ biếng ăn, giảm cân, dẫn đến suy dinh dưỡng, giảm nhận thức và sa sút trí tuệ".
Phòng ngừa nhiễm giun sán
Nước ta là quốc gia có khí hậu nóng ẩm, dân số đông và điều kiện môi trường vệ sinh còn hạn chế. Đây là điều kiện lý tưởng cho sự phát triển của nhiều loại giun sán khác nhau. Bởi vậy, việc phòng bệnh là vô cùng quan trọng trong đó cần tăng cường vệ sinh cá nhân và môi trường. Thường xuyên rửa tay hàng ngày là biện pháp tốt nhất để phòng giun, sán.
Gia đình cần tập cho trẻ thói quen rửa tay bằng xà phòng và nước sạch sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn. Người lớn trong gia đình cũng phải chú ý việc này, nhất là trước khi chế biến thức ăn.
Chú ý cần ăn chín, uống sôi, tuyệt đối không được uống nước lã, không ăn thức ăn ôi thiu, không ăn đồ tái. Che đậy thức ăn không để chuột, gián bò vào. Trước khi ăn, nên nấu nóng lại, kể cả đồ ăn để trong tủ lạnh.
Sử dụng nguồn nước đảm bảo an toàn để chế biến thức ăn, vệ sinh cơ thể. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.
Chú ý vệ sinh thân thể: Thường xuyên cắt móng tay cho trẻ, rửa hậu môn bằng xà phòng tắm sau mỗi lần trẻ đi đại tiện, không cho trẻ đi đại tiện bừa bãi.