Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch tăng

Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, hơn một tháng trở lại đây, trung bình, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 70-80 bệnh nhân, chủ yếu là mắc bệnh viêm đường hô hấp. Còn tại Bệnh viện Lão khoa TW, BS Trần Đình Thắng – Khoa Cấp cứu cho biết trong đợt nắng nóng này, số bệnh nhân nhập viện mỗi ngày tăng gấp đôi, thậm chí có ngày tăng gấp 3 lần so với trước đây. Trong số đó có hơn một nửa là ca nặng cần phải có những can thiệp hồi sức cấp cứu.

Có nhiều ca vào trong tình trạng nặng, có ca bị nhồi máu não, đối với những trường hợp này khuyến cáo bệnh nhân nên đến sớm nhất, nếu còn trong thời gian vàng thì cơ hội điều trị, cứu sống cao nhưng vì trời nắng, người nhà bệnh nhân đi làm, đến tối mới về mới đưa đến thì không thể làm gì được, phải dùng biện pháp hồi sức cấp cứu, khó hồi phục. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng ca bệnh nặng và tử vong tăng” – BS Trần Đình Thắng cho biết thêm.

Nằm điều trị ở khoa Cấp cứu và đột quỵ của Bệnh viện Lão khoa TW từ nhiều ngày nay là trường hợp của bà Nguyễn Thị Chỉnh, 84 tuổi ở tỉnh Sơn La. Bà Chỉnh có tiền sử bị đột quỵ trước đó 2 lần. Đầu mùa hè này, bà xuống Hà Nội chơi với con cháu nhưng chơi chưa được bao lâu thì bà bị đột quỵ cấp cứu vào bệnh viện.

Mẹ tôi cơ bản là khó chịu, khi thời tiết nắng nóng thì bệnh tái phát, lúc ở nhà không nhanh nhẹn trong các hoạt động, các con gọi không biết. Gia đình đưa bà vào viện thì mới biết bà bị tai biến. Hiện tại mẹ chỉ phản ứng qua hành động như véo còn gọi tên thì chưa cảm nhận được” - chị Trần Thị Nga – con bà Chỉnh chia sẻ.

Người cao tuổi phòng tránh sốc nhiệt, đột quỵ, viêm phế quản trong thời tiết nắng nóng

Theo BS Đỗ Mai Huyền, Phó Khoa Khám bệnh, BV Lão khoa TW, người cao tuổi thường mắc các bệnh lý nền như huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…Các bệnh lý này thường dễ bị tác động bởi thời tiết, nhất là khi nắng nóng gay gắt khiến cơ thể suy nhược, sức đề kháng kém…

BS Đỗ Mai Huyền khuyến cáo, khi thời tiết nắng nóng, người cao tuổi không nên ra ngoài đường từ khoảng 10h00 sáng đến 17h00 chiều hằng ngày. Nếu bắt buộc phải đi ra ngoài trời vào ban ngày thì nên mặc quần áo mỏng mát và rộng, đeo kính chống nắng, khẩu trang và đội mũ rộng vành.

Đối với hoạt động thể dục thể thao, người cao tuổi nên tập những động tác nhẹ nhàng như đi bộ, tập dưỡng sinh, yoga... Việc tập nặng sẽ dẫn đến các bệnh lý mạch máu gia tăng.

Có nhiều bệnh nhân đột quỵ sau khi tập thể dục. Lý do là có bệnh nhân bị tăng huyết áp mà lại không biết mình bị huyết áp cao thì tập ngoài trời làm cho huyết áp lên rất nhanh dẫn đến đột quỵ, tim bóp nhiều thì dẫn đến suy tim cấp. Người cao tuổi nên thường xuyên đi kiểm tra định kỳ huyết áp, xử lý ngay thì sẽ không sao” – BS Đỗ Mai Huyền khuyên.

Về sử dụng điều hòa cho người cao tuổi, theo BS Đỗ Mai Huyền, nhiệt độ phòng chỉ nên từ 27-29°C và để quạt nhẹ để thông gió. Người cao tuổi cũng không nên nằm nhiều trong phòng điều hòa. Thỉnh thoảng nên tắt điều hòa và để hé cửa, bật quạt nhẹ.

Khi cơ thể đang toát mồ hôi không nên tắm ngay bởi vì nếu thân nhiệt thay đổi đột ngột dễ dẫn đến mạch máu co lại, nguy cơ tai biến cao. Khi đi ngoài nắng về nên nghỉ ngơi một lúc cho cơ thể ráo mồ hôi dần dần, thân nhiệt giảm đi, đỡ mệt thì mới nên tắm.

BS Đỗ Mai Huyền cho biết, mùa hè, người cao tuổi thường cảm thấy mệt mỏi, chán ăn dẫn đến cơ thể suy nhược. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến nếu bị bệnh thì bị nặng rất nhanh. Vì vậy, chế độ ăn uống cho người cao tuổi vào mùa hè nên là món ăn mềm, lỏng, chia ra làm nhiều bữa nhỏ trong ngày.

Mùa hè, cơ thể dễ bị mất nước điện giải nên người cao tuổi nên uống đủ nước. Các chuyên gia khuyến cáo, mọi người nên uống ít nhất 2 lít nước/ngày.