Hà Nội “phong thành”

6 giờ ngày 24/7, Hà Nội phong tỏa toàn thành phố. Không còn lạ lẫm như lần đầu, cũng không còn những cảm xúc có phần lãng mạn của ai đó về một Hà Nội hiếm hoi vắng vẻ, tĩnh lặng, lần thực hiện giãn cách xã hội này, người dân Hà Nội dường như đã quen hơn. Nhưng việc buộc 8 triệu dân thành phố buộc phải ngừng ra đường (ngoại trừ những trường hợp được cấp phép) là một việc không dễ để thích nghi.

Những ngày đầu hiện tượng người dân ra đường còn nhiều với đủ lý do và các kiểu chống đối, các chợ cóc, chợ tạm vẫn hoạt động lén lút… Sau nhiều lần quán triệt, chỉ đạo, quy trách nhiệm người đứng đầu, việc kiểm soát đi lại của người dân đã được siết chặt. Gần 1.200 trường hợp bị xử phạt vi phạm quy định phòng chống dịch là con số cho thấy phần nào sự quyết liệt của chính quyền thành phố trong lần giãn cách này.

22 điểm chốt cửa ngõ của thành phố khóa chặt người ra vào. Sở Giao thông vận tải mở 6 làn đường “luồng xanh” dành riêng cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa, công nhân, chuyên gia lưu thông thông suốt 24/24 giờ. Còn các phương tiện khác được chỉ dẫn lộ trình đường tránh không qua Hà Nội, để tránh xảy ra ách tắc và thực hiện chủ trương không “ngăn sông cấm chợ”.

Ngừng di chuyển nhưng cuộc sống xã hội vẫn phải vận hành. Phong tỏa chặt nhưng vẫn phải đảm bảo an sinh. Người dân được phát phiếu đi chợ 1 tuần 3 lần. Chính quyền khuyến khích tiêu dùng online, cấp thẻ cho những nhân viên vận chuyển hàng hóa. Hà Nội cũng quyết định hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/lần đối với những đối tượng bị tác động của Covid-19. Một số hoạt động từ thiện cũng đã mang đến cho người nghèo sự bù đắp quý báu khi dịch bệnh khó khăn.

Hà Nội và “thời gian vàng” dập dịch

15 ngày phong tỏa, dừng mọi hoạt động của người dân là để cắt đứt chu kỳ lây nhiễm, chặn đứng đường đi của Covid-19. Chính quyền Hà Nội với mong muốn trong khoảng thời gian vàng này tổng lực tấn công, khoanh vùng, truy vết các ca bệnh, quyết tâm dập dịch.

11 ổ dịch được phát hiện. Hơn 900 ca nhiễm Covid-19 mới được ghi nhận trong 15 ngày này. Chiến lược của Hà Nội là truy vết thần tốc các ca F0; trả kết quả xét nghiệm nhanh; rà soát tất cả những người có biểu hiện ho, sốt, khó thở…; lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng nhưng có trọng tâm tại các khu vực có nguy cơ cao; siết chặt công tác an toàn trong bệnh viện; kiểm soát chặt chẽ mọi tuyến đường trên địa bàn…

Tận dụng những ngày giãn cách xã hội, thành phố đặc biệt đẩy nhanh tiêm chủng vaccine ngoài cộng đồng. Hiện thành phố đã tiêm được hơn 1 tiệu liều vaccine, chiếm hơn 10% dân số. Và sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho người dân với 715 điểm tiêm cố định và lưu động.

Bệnh viện dã chiến tại Trường Quân sự Thủ đô và các bệnh viện dã chiến tại khu nhà ở sinh viên tại khu cách ly Pháp Vân – Tứ Hiệp với quy mô hơn 2 nghìn giường đã đi vào hoạt động. Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 nặng và nguy kịch quy mô 500 giường đang được gấp rút xây dựng tại quận Hoàng Mai.

Việc phân luồng và phân tầng điều trị cũng đã được xây dựng theo phương án tận dụng nguồn lực tại chỗ. Mỗi bệnh viện đa khoa tuyến quận, huyện có thể đáp ứng ở tầng điều trị thứ 2 với 250 giường bệnh. Tầng 3 và 4 điều trị bệnh nhân nặng được bố trí tại các bệnh viện tuyến cuối như BV Đa Khoa Đức Giang. Kinh nghiệm thực tiễn tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy việc phân luồng tốt, từng vòng là để có khả năng kiểm soát, điều trị tốt hơn.

Hà Nội đã tiến hành các biện pháp phòng dịch cao hơn 1 cấp độ là để giành thế chủ động, chuyển từ “phòng ngự” sang “tấn công”, dập dịch.

Hà Nội làm quyết liệt nhưng tình hình dịch vẫn “nóng”

15 ngày giãn cách xã hội, Hà Nội vẫn ghi nhận số F0 trong ngày ở mức cao và xuất hiện thêm các chuỗi lây mới phức tạp. Đặc biệt 500/900 ca dương tính được phát hiện qua sàng lọc ho sốt tại cộng đồng mà không xác định được nguồn lây. Điển hình là ổ dịch gần đây nhất tại công trường xây dựng Bệnh viện Đa Khoa Hà Đông với 32 ca F0 và hiện không biết những người này lây bệnh từ đâu.

TS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam, nhận định: "Số ca ở chùm sàng lọc triệu chứng thứ phát cao và tăng nhanh là hệ quả của việc các ca bệnh được phát hiện muộn, khi đã có triệu chứng một vài ngày và đã âm thầm lây lan trong cộng đồng trước đó".

“Điều này là hết sức nguy hiểm và là lý do vì sao Hà Nội vẫn cần phải cẩn trọng”, PGS.TS Trần Đắc Phu – Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp bệnh tật Việt Nam phân tích. Vì thế, nếu ai đó có ý định so sánh về số ca mắc mới mỗi ngày của Hà Nội và các tỉnh thành khác và nhìn vào đó để hành động và ý thức thì cần phải thay đổi ngay.

Hà Nội vẫn rất cần duy trì sự quyết liệt như hiện nay, thậm chí cần quyết liệt hơn nữa. Bằng mọi cách cách ly F0 ra khỏi cộng đồng, xét nghiệm nhanh, truy vết thần tốc. Bằng mọi biện pháp cách ly gia đình với gia đình. Duy trì chuỗi cung ứng thực phẩm, đảm bảo an sinh, ổn định đời sống để người dân yên tâm ở nhà chống dịch. Hà Nội đã lên phương án cho tình huống xấu khi có 50 nghìn người nhiễm Covid-19 với mục tiêu là bằng mọi giá để tình huống xấu đó không xảy ra.

Nhiều người gọi Hà Nội của 15 ngày qua là Hà Nội thời giăng dây. Dây để chặn ngõ này với ngõ kia. Dây để tạo luồng di chuyển, để giữ khoảng cách người với người. Dải phân cách mềm này đã trở thành ranh giới cứng trong tổ chức xã hội thành phố những ngày này và cả những ngày sắp tới.