PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Phó Trưởng ban điều hành chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho biết, từ nay đến cuối năm, ngành y tế phấn đấu tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng Covid-19 cho tất cả trẻ em 12-17 tuổi.

Vaccine hiện tại được sử dụng tiêm chủng cho trẻ em 12-17 tuổi là vaccine Comirnaty của Pfizer, tương tự người từ 18 tuổi trở lên. Liều lượng 0,3 ml mỗi mũi tiêm, khoảng cách giữa 2 mũi từ 3 đến 4 tuần (21-28 ngày).

PGS Dương Thị Hồng đề nghị các điểm tiêm tuân thủ theo đúng các hướng dẫn về chuyên môn của Bộ Y tế liên quan đến tiêm chủng. Tổ chức tiêm chủng cho trẻ em theo hình thức chiến dịch, do đó ngành giáo dục cần phối hợp chặt chẽ với ngành y tế.

"Trẻ em trong lứa tuổi này thường có phản ứng dây chuyền, do đó, khi 1 trẻ nào có biểu hiện lo sợ hay e ngại tiêm thì sẽ dễ gây ra phản ứng lan chuyền cho nhiều trẻ khác. Vì vậy nên sắp xếp các phòng tiêm, theo dõi sau tiêm thật hợp lý, có những khoảng cách nhất định"- bà Hồng lưu ý.

PGS Dương Thị Hồng cũng khuyến cáo trong ít nhất 3 ngày đầu sau tiêm, cha mẹ, người giám hộ, thầy cô giáo cần yêu cầu trẻ tránh vận động mạnh, không hoạt động thể thao cường độ cao.

Lý giải về khuyến cáo trên, PGS Dương Thị Hồng cho biết, có một phản ứng không mong muốn với trẻ em sau tiêm vaccine Covid-19 đã được ghi nhận tại một số quốc gia là viêm cơ tim. "Sau tiêm, các cháu hoạt động mạnh sẽ tăng thêm áp lực cho tim, biểu hiện viêm cơ tim có thể trở nên trầm trọng hơn nếu không may gặp phản ứng phụ này. Theo các số liệu thống kê tới nay, viêm cơ tim xảy ra nhiều hơn ở mũi thứ 2 và xảy ra ở trẻ trai nhiều hơn trẻ gái"- bà Hồng thông tin.

Tuy nhiên, PGS Hồng cũng nhấn mạnh đây là phản ứng rất hiếm gặp. Thống kê về những trường hợp gặp phản ứng phụ này cũng chỉ là số liệu ban đầu vì 36 quốc gia đã tiêm chủng vaccine cho trẻ em mới triển khai tiêm gần đây. Số liệu này cần được tiếp tục theo dõi.

Thông tin thêm về phản ứng phụ sau tiêm vaccine Covid-19 ở trẻ nhỏ, PGS-TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hiện không có báo cáo liên quan đến tử vong với tất cả trường hợp viêm cơ tim sau tiêm vaccine Covid-19. Dù vậy, Bộ Y tế đã có kế hoạch và tập huấn cho các cơ sở y tế để chuẩn bị thật tốt cho tình huống có ca phản ứng viêm cơ tim, mặc dù tỉ lệ rất thấp.

"Các gia đình không nên lo lắng vì trong quá trình tiêm, trẻ cũng sẽ được theo dõi cẩn thận, xử lý kịp thời nếu có tình huống phát sinh"- PGS Điển nói.

Với các trường hợp có chỉ định tiêm chủng tại bệnh viện, PGS Điển cho biết, nhóm này gồm các trẻ mang bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính, có phản ứng phản vệ độ 3 ở bất kỳ dị nguyên nào hoặc nghe tim phổi thấy bất thường. Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã khuyến cáo, phải đặc biệt lưu ý đến nhóm trẻ có bệnh nền khi tiêm chủng.