Theo BS Lê Thị Hoài Thu - Khoa Bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu TƯ, khi mang thai, mụn dễ xuất hiện hơn bình thường là do thời gian này nội tiết tố trong cơ thể người phụ nữ bị rối loạn. Chất androden được tiết ra nhiều, làm kích thích tăng bã nhờn trên da, gây tắc nghẽn lỗ chân lông, dẫn đến mụn nhanh chóng sinh sôi và phát triển, không chỉ trên da mặt mà còn có thể lan ra khắp cơ thể.
Thông thường mụn sẽ khởi phát cũng như trở nên tệ hơn vào những tháng đầu khi mang thai nhanh chóng thuyên giảm sau khi sinh xong. Nhưng, do thời gian "hoành hành" lâu và số lượng mụn lớn đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính thẩm mỹ, thậm chí để lại sẹo thâm, sẹo lõm.., tàn phá làn da nặng nề. Điều này khiến các mẹ bầu đều cảm thấy buồn phiền, stress, mất tự tin nhưng lại không dám điều trị mụn vì sợ ảnh hưởng đến thai nhi.
Tuy nhiên, theo BS Hoài Thu hiện có rất nhiều phương pháp điều trị mụn hiệu quả cho mẹ bầu và vẫn an toàn cho thai nhi nên các mẹ không cần chịu đựng tình trạng khó chịu này trong suốt thai kỳ.
"Các mẹ bầu khi thấy tình trạng mụn nổi rầm rộ, nhiều mụn viêm, mụn mủ gây ngứa ngáy, khó chịu thì nên đi khám tại các bác sỹ chuyên về da liễu để được đánh giá tình trạng mụn và đưa ra phương án điều trị hợp lý cho mẹ bầu...", BS Hoài Thu khuyến cáo.
Bên cạnh đó, các mẹ bầu không nên tự cạy hay nặn mụn bởi như vậy sẽ làm mụn mọc nhiều thêm. Và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sẹo thâm, sẹo rỗ, kích thích mụn lan rộng xung quanh.
Để hạn chế tình trạng nổi mụn khi mang thai, các mẹ bầu nên cẩn trọng khi sử dụng các sản phẩm chăm sóc da như sửa rửa mặt, kem chống nắng, kem dưỡng ẩm. Tốt nhất nên tham vấn ý kiến bác sỹ trước khi sử dụng một sản phẩm mỹ phẩm.