Thời gian gần đây, mọi thứ trong nhà anh Nguyễn Thế Cao sống tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội lúc nào cũng phủ một lớp bụi dày. Cùng với đó là tiếng ồn của máy khoan, máy cắt và máy trộn bê tông từ sáng sớm. Việc có thêm những người hàng xóm mới đồng nghĩa với những công trình xây dựng mới xuất hiện.

“ Nhà rất bẩn, một ngày lau mấy lần, lau xong lại bụi, hôm nào đi cả ngày ko lau thì bụi hết lớp này đến lớp kia, mùa hè thỉnh thoảng muốn mở cửa để thông khí mà ko dám, suốt ngày nhà đóng cửa kín mít. Các cháu ở nhà ốm suốt, đỡ đỡ một tý rồi bị lại, quanh đây rất nhiều cháu bị chứ không chỉ nhà này, các cháu lúc thì viêm mũi họng, lúc thì phế quản, rất khổ”- anh Thế Cao nói.

Cùng với khói bụi từ con đường vành đai 3 gần đó, môi trường sống ô nhiễm khiến cậu con trai 5 tuổi của anh Thế Cao vốn gầy yếu, không dứt nổi căn bệnh hô hấp đeo bám triền miên. Đúng là ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường sống không chỉ khiến trẻ nhỏ bị ảnh hưởng mà các mẹ bầu cũng lo lắng cho sức khỏe của mình và thai nhi. Chị Nguyễn Diệu Ngân sống tại huyện Đông Anh, Hà Nội mang thai tháng thứ 8 vừa trải qua đợt viêm mũi họng. Chị vẫn còn khá lo lắng không biết em bé trong bụng có bị ảnh hưởng không.

“Bác sĩ khuyên chăm sóc sức khỏe thì lúc nào cũng nên xịt mũi từ 3-5 lần/ ngày, súc họng bằng nước muối sinh lý, tuy đã khỏi bệnh nhưng hằng ngày vẫn cần làm sạch đường hô hấp…"- chị Ngân cho hay.

Để phòng bệnh, đảm bảo sức khỏe cho bản thân và thai nhi, chị Ngân và chồng đã quyết định đầu tư các thiết bị làm sạch không khí trong nhà để phần nào chống lại sự tấn công của ô nhiễm không khí, thế nhưng, về lâu dài, nỗi lo trẻ nhỏ bệnh tật, sức khỏe bị ảnh hưởng do ô nhiễm thì vẫn luôn hiện hữu.

PGS-TS-BS Trần Quỳnh Anh – Phó trưởng Bộ Môn Sức khỏe môi trường - Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng - Trường ĐH Y Hà Nội cho rằng, mức độ ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của nước ta hầu như luôn trong tình trạng nghiêm trọng. Ở đây có ô nhiễm không khí bên ngoài (khói bụi giao thông, xây dựng…) và ô nhiễm không khí bên trong nhà ( do đốt than, đốt củi, trong gia đình có người hút thuốc lá, lưu thông không khí trong nhà kém…) Điều này gây ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều nhóm đối tượng trong đó có trẻ em và phụ nữ mang thai.

Trên thực tế đã có những nghiên cứu cho thấy ô nhiễm không khí gây tác động tiêu cực đến sức khỏe của thai nhi. Theo thống kê của UNICEF cho thấy 20% số ca tử vong ở trẻ sơ sinh trên toàn thế giới là do ô nhiễm không khí mà phần lớn có liên quan đến các vấn đề nhẹ cân và sinh non.

Bên cạnh hệ lụy này, ô nhiễm không khí còn có thể gây ra nhiều tác hại đối với sức khỏe của trẻ nhỏ trong quá trình phát triển. Theo PGS Trần Quỳnh Anh, trẻ nhỏ là đối tượng nhạy cảm đối với chất gây ô nhiễm không khí bởi chức năng của các cơ quan trong đó có phổi là chưa hoàn chỉnh. Ngoài ra, trẻ hô hấp nhiều hơn, nhịp thở của trẻ nhiều hơn người lớn vì thế nếu không khí ô nhiễm, trẻ sẽ hít vào nhiều chất ô nhiễm hơn.

“Khi tiếp xúc với không khí ô nhiễm thường trẻ hay mắc viêm đường hô hấp trên, chảy nước mắt, phổ biến là nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ em. Trong quá trình phát triển của trẻ, nếu tiếp xúc với ô nhiễm không khí nhiều sẽ dẫn đến suy giảm chức năng phổi và đặc biệt là làm giảm phát triển trí tuệ. Cần đặc biệt lưu ý đối với các trường hợp trẻ bị hen suyễn nếu như cơ địa bị dị ứng, bị hen trẻ sẽ dễ bị khó thở hoặc có phản ứng mẫn cảm nếu trong không khí có chất ô nhiễm” – PGS-TS-BS Trần Quỳnh Anh cho biết.

Việc các bé phải đi ra ngoài để học tập, vui chơi và tham gia các hoạt động ngoài trời là điều tất yếu, tuy nhiên, khi không khí bên ngoài ô nhiễm thì gia đình và nhà trường sẽ phải theo dõi chỉ số chất lượng không khí vì thực ra không phải ngày nào cũng ô nhiễm, sẽ có những ngày chất lượng không khí kém.

“Với những ngày chất lượng không khí bình thường mình có thể ra ngoài. Còn những ngày chất lượng không khí ở mức trung bình thì lúc đấy sẽ phải hạn chế thời gian ở ngoài trời. Tham gia giao thông cần chú ý đeo khẩu trang. Ngoài ra nếu ở ngoài trời trong những hôm không khí ô nhiễm, nên hạn chế để trẻ vận động mạnh bởi nếu trẻ vận động mạnh sẽ phải hít thở nhiều hơn và như vậy sẽ hít không khí ô nhiễm nhiều hơn. Lưu ý khi tham gia giao thông, cha mẹ nên để trẻ ngồi cao, tránh luồng khí thải của xe cơ giới ”- BS Quỳnh Anh tư vấn.

Đôi khi các mẹ vẫn nghĩ ở trong nhà con mình sẽ có được không khí sạch hơn, điều này chuyên gia cho rằng không hoàn toàn chính xác.

“Trong trường hợp không khí bên ngoài ô nhiễm thì bên trong nhà thường sẽ sạch hơn. Tuy nhiên, các cha mẹ phải lưu tâm đến việc liệu trong nhà có nguồn gây ô nhiễm không? Có đun nấu bằng than hay củi? Trong nhà có người hút thuốc lá hay không?... Tuy nhiên trong nhà có sạch nhưng mình đóng kín cửa cả ngày thì cũng không tốt vì ngoài trời có lúc không khí trong lành thì mình vẫn nên mở cửa để lưu thông không khí trong nhà- ngoài trời… Phải chú ý vi sinh vật trong nhà như bụi, nấm, mốc, các con bọ từ đồ dùng trong nhà như chăn ga, gối, rèm cửa … do đó luôn chú ý vệ sinh nhà cửa sạch sẽ." - PGS-TS-BS Trần Quỳnh Anh khuyến cáo.

Để hạn chế ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đối với trẻ, cha mẹ cần ghi nhớ:

Khi chọn khẩu trang cho trẻ cần chú trọng chất lượng, có thể lọc được không khí ô nhiễm và quan trọng là phải đeo vừa vặn khuôn mặt của trẻ.

Một số máy lọc không khí được cho là lọc được bụi mịn 2.5, điều hòa độ ẩm trong nhà. Tuy nhiên, không nên đóng cửa kín cửa phòng khi có máy lọc không khí. Cần cân nhắc mở cửa khi không khí bên ngoài trong lành hơn, đảm bảo yêu cầu lưu thông không khí, đảm bảo sức khỏe.

Nồng độ ô nhiễm không khí sẽ thay đổi trong ngày, do đó nên mở cửa hoặc cho trẻ em ra ngoài chơi vào ban ngày, tránh mở cửa hoặc cho trẻ em ra ngoài chơi lúc chiều muộn hoặc buổi tối.

Mời nghe bài viết tại đây: