Mẹ bỉm sửa An Thảo, nhà ở quận Cầu Giấy, Hà Nội có 2 cô con gái nhỏ, bé lớn 4 tuổi còn bé nhỏ mới hơn 1 tuổi. Nghỉ dịch chăm hai bé cả năm nay khá vất vả, nên khi các con được trở lại trường học, chị Thảo và gia đình rất phấn khởi, tuy vậy vẫn còn chút lo lắng. “Lo cho sức khỏe của con, chuẩn bị tâm lý cho con khi quay lại học. Bé lớn hiểu chuyện rất hợp tác, đi học vui. Tuy nhiên, bạn bé thì hơi nhỏ, sau 2 tuần đến lớp cũng có nhiễm virus và bị cảm cúm nhẹ”- chị An Thảo cho biết.

Còn gia đình anh Lê Công Thân ở quận Hoàng Mai thì vẫn đang băn khoăn chuyện có cho con gái 5 tuổi đến lớp hay không. “Bé chưa bị Covid-19, môi trường nhà trẻ đông các con, dễ nhiễm bệnh nên chờ thêm khi các con được tiêm mới có thể yên tâm được”- anh Thân cho hay.

Bác sĩ Vũ Thị Thúy Lan- nguyên Trưởng khoa Nhi -Hô hấp- Bệnh viện Saint Paul Hà Nội, bác sĩ của Phòng khám Cây thông xanh thuộc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng cho biết, sau 1 năm các bé mầm non mới có thể trở lại trường học trực tiếp, điều này có thể tác động đáng kể đến hệ miễn dịch của các bé khi thay đổi môi trường sinh hoạt.

Vì thế, các bé rất dễ nhiễm một số bệnh do tiếp xúc trong môi trường tập thể. Thêm nữa đang là thời điểm giao mùa nên các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp trên như viêm họng, viêm phế quản hoặc thậm chí hen phế quản cũng có thể ảnh hưởng đến trẻ. Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị rối loạn tiêu hóa do đồ ăn thức uống để trong tủ lạnh không đảm bảo an toàn. Đồng thời, các bệnh lây nhiễm như sốt xuất huyết, cúm thông thường, chân tay miệng cũng có cơ hội xuất hiện trong thời điểm này.

Lo con nhiễm bệnh khi đi học trở lại là tâm lý chung của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, theo bác sĩ Vũ Thị Thúy Lan, vì sự phát triển của các con, việc cho các bé đi học trở lại là điều tất yếu, vì thế các cha mẹ nên lựa chọn giải pháp tăng sức đề kháng cho con.

Tăng sức đề kháng cần chú ý đến yếu tố là tâm lý, thể chất và khả năng tương tác của trẻ. "Đầu tiên trẻ phải được thoải mái, không lo lắng sợ hãi, được sự quan tâm của bố mẹ. Thứ hai về thể chất phải phát triển cân đối, bổ sung phù hợp về dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất. Không để trẻ chơi các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, tránh xem tivi quá nhiều, vì điều này ảnh hưởng đến mắt, sự phát triển về giao tiếp của trẻ, làm tăng các chất tác động không tốt đến não bộ của trẻ"- BS Lan nhấn mạnh.

Với những bé có sức khỏe kém hơn các bạn khác, hoặc hay gặp các bệnh lý về hệ hô hấp thì việc chăm sóc các con, cha mẹ và cô giáo cũng cần lưu tâm nhiều hơn bởi theo BS Vũ Thị Thúy Lan, những trẻ này rất dễ bị nhiễm bệnh.

Theo chuyên gia, trẻ cần được tăng cường ăn uống đủ chất, thực phẩm tươi và đặc biệt cần cung cấp đủ nước. Nếu trẻ yếu, ngại ăn hoa quả thì có thể ép nước hoa quả cho trẻ uống. Tuyệt đối giữ ấm chân, cổ và gáy, không cho trẻ ăn uống đồ lạnh. "Mùa nóng nhưng trẻ vẫn có thể nhiễm lạnh ví dụ như cho trẻ đi biển, đi chơi chẳng hạn. Bởi vì khi trẻ tắm biển, đi hồ bơi, ở dưới nước lên bờ là có thể đã nhiễm lạnh ngay. Thêm vào đó, trẻ có thể nhiễm lạnh khi vào môi trường điều hòa, vì thế cha mẹ cần chú ý nhiệt độ phòng thích hợp. Một lưu ý nữa là cha mẹ nên vệ sinh tai mũi họng thường xuyên cho trẻ"- theo BS Lan.

BS Vũ Thúy Lan cho rằng, cha mẹ cần trang bị cho các con tuổi mầm non những kỹ năng cần thiết để khi đến trường lớp, các con có thể phần nào tự phòng bệnh cho mình.

“Để phòng bệnh cho con cha mẹ chỉ cần hướng dẫn các con rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Tuyệt đối không uống nước lạnh, không sử dụng điện thoại hoặc xem TV kéo dài. Khi trẻ chưa hiểu thì trong gia đình, người lớn phải làm gương cho trẻ để trẻ hiểu nó có tác hại như thế nào. Để tạo những thói quen tốt cho con con, cha mẹ, người thân phải cho trẻ ra ngoài chơi để trẻ không buồn. Thêm nữa cha mẹ cần hướng dẫn trẻ không nên ăn quà vặt ngoài đường vì nó rất mất vệ sinh và có thể gây các bệnh rối loạn tiêu hóa”- BS Lan khuyến cáo.