Liên tiếp những ngày gần đây số bệnh nhân mắc Covid-19 được Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 công bố hàng ngày có xu hướng giảm nhiều so với những ngày trước đó. Song nguy cơ dịch bệnh bùng phát vẫn còn rất cao. Hơn lúc nào hết đây là thời điểm tất cả mọi người cùng phải nâng cao ý thức để bảo vệ kết quả chống dịch chúng ta đã đạt được trong những ngày qua.

Theo bác sĩ Trần Văn Phúc – hiện đang công tác tại Bệnh viện Xanh-Pôn Hà Nội, đại dịch COVID-19 đang chứng tỏ một điều, vi rút sẽ tấn công nhiều hơn vào nhóm người hiểu biết ít hơn, dịch bệnh lây lan liên quan đến hành vi cá nhân hơn là mô hình không gian chật chội như chúng ta vẫn lo sợ. Vì vậy ý thức tự giác, chủ động phòng chống dịch bệnh của mỗi người dân rất quan trọng. Nếu mỗi cá nhân không có ý thức phòng tránh dịch bệnh thì ngành y dù có mạnh đến mấy chăng nữa thì chúng ta cũng sẽ bị thất bại trước đại dịch Covid-19. “Để phòng chống dịch hiệu quả cần có ba thế chân kiềng vững chắc, đó là chính quyền, y tế và các lực lượng như công an, quân đội… cùng với người dân hợp nhau thành khối sức mạnh. Trước đây chúng tôi vẫn quan niệm rằng chống dịch phải là y tế nhưng vai trò trách nhiệm và ý thức tự phòng vệ của mỗi người dân mới là biện pháp tốt nhất để bảo vệ cộng đồng và bảo vệ xã hội, giúp chúng ta thoát khỏi đại dịch này” - BS Trần Văn Phúc nói.

Phải khẳng định rằng, thời gian qua đại đa số người dân Việt Nam đều nêu cao tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, trách nhiệm công dân trong cuộc chiến chống lại Covid-19. Tuy nhiên, vẫn còn một số người vẫn thể hiện sự thiếu trách nhiệm, không chấp hành, thậm chí là chống đối các quy định của chính quyền, khuyến cáo của ngành y tế về phòng, chống dịch. Những hành động thiếu ý thức này khiến cho công việc của các lực lượng chức năng càng thêm vất vả, khó khăn. Phê phán mạnh mẽ những cá nhân đi ngược lại với những nỗ lực, cố gắng của cả cộng đồng trong phòng chống dịch song bác sĩ Trần Văn Phúc cho rằng, giáo dục kiến thức về dịch bệnh là rất quan trọng. Người dân phải hiểu về vi rút, có đủ kiến thức để sống chung với vi rút, chủ động phòng tránh một cách khoa học, thay vì phó mặc cho y tế và chính quyền lao đi truy vết sau mỗi ca dương tính. "Sự thiếu hiểu biết và chủ quan đều nguy hiểm như nhau, nhưng thiếu hiểu biết thì sợ hãi, nó sẽ làm tê liệt hết sức kháng cự của cơ thể cũng như cả hệ thống. Đã đến lúc Việt Nam nên chuyển sang chống dịch bằng sự hiểu biết tích cực, chống dịch bằng trí tuệ, chứ không phải là nỗi sợ hãi để tìm cách xua đuổi vi rút bằng mọi cách” – BS Trần Văn Phúc nhấn mạnh.

Cũng theo quan điểm của BS Trần Văn Phúc, nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa dịch bệnh là điều tốt. Nhưng nếu như chúng ta sợ hãi quá mức về dịch bệnh dẫn đến những phản ứng thái quá trước các ca bệnh cũng như các trường hợp F1, F2 hoặc người liên quan…thì lại không khuyến khích được người dân, tổ chức tự giác tham gia công tác phòng chống dịch. Vì vậy, song hành với việc xử phạt nghiêm khắc các trường hợp cố tình gian dối làm lây lan dịch bệnh, các cơ quan chức năng cũng cần bảo vệ người dân và bệnh nhân Covid-19, không để xảy ra tình trạng sợ hãi hoang mang, không kỳ thị hoặc tấn công cá nhân.