Chưa khi nào phong trào tập luyện thể dục thể thao lại phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Có nhiều môn thể thao để mọi người lựa chọn như tập gym, yoga, bóng đá, bóng rổ, tennis, cầu lông… Tuy nhiên, từ đó nhiều vụ tai nạn đã xảy ra trong quá trình tập luyện ảnh hưởng đến sức khỏe của người tập luyện. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), mỗi năm ở Mỹ có gần 10 triệu trường hợp gặp phải chấn thương do chơi thể thao. Còn ở nước ta, con số này cũng có thể lên đến hàng nghìn người.

PGS.TS. BS Nguyễn Xuân Ninh – Trưởng phòng khám dinh dưỡng VIAM, Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng VN, Chuyên gia về dinh dưỡng và y học thể thao cho biết: Chấn thương trong thể thao có thể gặp ở bất cứ môn thể thao nào, từ nhẹ đến nặng, từ môn cần ít thể lực đến những môn cần nhiều thể lực. Tuy nhiên, gặp nhiều nhất ở những môn thể thao đòi hỏi nhiều thể lực, va chạm, đối kháng, sức mạnh bột phát: như bóng đá, cử tạ, bóng chuyền, bóng rổ, các môn võ, nhảy xa, nhảy cao. Người bị thương nhẹ thì chỉ chấn thương phần mềm như rách cơ, bong gân, tụ máu, còn nặng thì gãy vỡ xương, rách vỡ sụn khớp, đứt dây chằng, vớ quai hàm, sống mũi, thậm chí là tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

Có nhiều nguyên nhân gây ra chấn thương khi chơi thể thao: Do người chơi va chạm trực tiếp với đối thủ với lực rất mạnh; có tư thế sai lệch khi tập; không khởi động kỹ, làm các cơ chưa thích nghi với một số động tác mạnh, khó; chơi thể thao quá sức, cơ thể bị mệt mỏi, thiếu dinh dưỡng; chọn môn thể thao không phù hợp với sức khỏe và không có thầy hướng dẫn bài bản, tập không đúng quy trình. Thực tế có những vận động viên đỉnh cao, chuyên nghiệp còn bị chấn thương mạn tính, (bệnh nghề nghiệp) do phải tập luyện hàng ngày với cường độ cao, gây ra các vi chấn thương tại các khớp, xương… dẫn đến bị đau cứng, thoái hóa các khớp này những năm về sau, ví dụ tập môn cử tạ thì đau lưng đau gối hay tập võ, bóng chuyền đau gối...

Những người chạy bộ, tập dưỡng sinh… cũng có thể bị chấn thương (trường hợp này hay gặp ở người cao tuổi). Nguyên nhân là do người tập chưa khởi động kỹ, cơ thể mỏi mệt, bị trẹo cổ chân, chuột rút rồi bị ngã, hoặc vấp ngã trên đường, hoặc giày dép có vấn đề…

Nếu bị chấn thương nhẹ thì chỉ sau vài ngày được chăm sóc điều trị sẽ khỏi nhưng trường hợp nặng thì phải mất vài tháng, cả năm mới hồi phục, và thậm chí không thể chơi thể thao được nữa. Tuy nhiên, theo PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh, đáng tiếc là hiện nay, nhiều trường hợp bị chấn thương nhẹ nhưng do điều trị không đúng hoặc sử dụng các loại thuốc bôi, bó… không rõ nguồn gốc dẫn đến các di chứng không tốt cho cơ quan tổn thương, giảm sức khỏe cho người tập. Ví dụ, người bị bong gân trật khớp không được kiểm tra và đưa vào đúng vị trí, cố định, dùng thuốc và hướng dẫn tập luyện phù hợp dẫn đến hạn chế vận động của khớp, lâu khỏi, thậm chí cứng khớp. “Đã có trường hợp gãy xương hở, bị nhiễm khuẩn nhưng thày lang không đánh giá được tính nguy hiểm của bệnh đã cho bệnh nhân đắp lá thuốc, sau vài ngày nhiễm khuẩn lan rộng bị hoại tử, nguy hiểm đến tính mạng” – PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh dẫn chứng.

Để phòng tránh những chấn thương khi tập thể thao, mọi người nên khởi động kỹ trước khi tập, có chế độ dinh dưỡng hợp lý, giữ cho sức khỏe của cơ thể khỏe mạnh ổn định trước, trong và sau quá trình luyện tập, tránh bị kiệt sức, luôn có những dụng cụ sơ cứu bên người để dùng khi cần thiết, chọn môn thể thao phù hợp với sức khỏe. Đặc biệt, trong thời tiết lạnh như hiện nay, khi tập, bạn nên chú ý mặc đủ ấm, chọn quần áo, giày dép phù hợp, những người có bệnh mạn tính, ví dụ đái tháo đường, huyết áp cao… thì phải mang theo thuốc. Trong trường hợp bị chấn thương nặng thì cần đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.