Mang thai đến tuần thứ 35, chị Hồng Liên ở Hà Nội thấy hai chân bị sưng phù, không thể đi vừa giày dép cũ. Bụng bầu nặng nề cộng với tình trạng nhức mỏi của đôi chân khiến chị khó khăn hơn trong đi lại, sinh hoạt. Tuy nhiên, cho rằng đó là hiện tượng “xuống máu chân” khi sắp sinh nên chị vẫn ở nhà và không đi khám. May mắn, tình trạng phù chân của chị Liên chỉ là hiện tượng sinh lý bình thường nên chị đã sinh em bé khỏe mạnh, an toàn.
Tuy nhiên, với chị Thanh Hà, phù chân lại là biểu hiện của bệnh tăng huyết áp mà chị không biết. “Em thấy mẹ em với mọi người nói đó là điều bình thường nên cứ ở nhà, không đi khám ngay. Một tuần sau đến lịch khám thai định kỳ, bác sĩ đo huyết áp và bảo huyết áp tăng cao quá, phát hiện muộn, rất nguy hiểm, em có nguy cơ đột quỵ” – chị Thanh Hà kể lại.
Theo BS Phan Chí Thành - Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản TW, phù chân ở phụ nữ mang thai là hiện tượng sinh lý rất thường gặp, đặc biệt là ở 3 tháng cuối thai kỳ.
“Khi mang thai, lưu lượng máu đi qua hệ tuần hoàn của người mẹ tăng lên gấp rưỡi so với bình thường. Do đó, tim phải hoạt động quá sức nên sẽ dẫn tới hiện tượng phù chân sinh lý và với đa số thai phụ đây là hiện tượng bình thường” – BS Phan Chí Thành giải thích.
Tuy nhiên, nếu phù chân kèm theo biểu hiện tăng huyết áp thì đó lại là dấu hiệu của bệnh lý tiền sản giật, rất nguy hiểm, có nguy ảnh hưởng đến tính mạng của bà mẹ và thai nhi.
“Do đó, khi các mẹ bắt đầu bị phù chân thì nên kiểm tra huyết áp ngay. Nếu huyết áp tâm thu trên 140 và huyết áp tâm trương trên 90 thì đó là dấu hiệu rất nguy hiểm, phải đi khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên về sản khoa và phải được các bác sĩ giàu kinh nghiệm theo dõi, hướng dẫn cách xử trí để loại trừ bệnh lý tiền sản giật. Bởi tiền sản giật là căn nguyên dẫn đến sản giật - một tai biến sản khoa nghiêm trọng có thể khiến người mẹ rơi vào hôn mê và gây ra hội chứng suy dinh dưỡng, thai chết lưu trong bụng mẹ. Tốt nhất, khi mang thai, các bà mẹ nên có máy đo huyết áp tại nhà để theo dõi huyết áp hàng ngày. Bất kể ở giai đoạn nào của thai kỳ, nếu thấy huyết áp cao là phải theo dõi rất cẩn thận để dự phòng biến cố cho cả mẹ và con” – bác sĩ Phan Chí Thành khuyến cáo.
Sưng phù bàn chân và mắt cá chân khiến thai phụ cảm thấy việc đi lại khó khăn, không thoải mái. Với những trường hợp phù chân do sinh lý, để giảm bớt tình trạng này, bác sĩ Phan Chí Thành hướng dẫn, người mẹ nên hạn chế đứng, ngồi một chỗ quá lâu. Khi nằm ngủ nên gác chân cao để lượng máu dễ dàng di chuyển về tim. Chế độ ăn đảm bảo đủ dinh dưỡng, đặc biệt là chất đạm như thịt, các loại cá giàu đạm, trứng sữa…cũng giúp giảm hiện tượng phù chân ở thai phụ. Để tạo cảm giác dễ chịu, bà mẹ cũng có thể ngâm chân trong nước muối ấm song tuyệt đối không được xông hơi. Đặc biệt, việc xoa bóp nhẹ nhàng đôi chân có tác dụng rất tốt trong việc giúp máu dễ dàng lưu thông, giảm phù nề.
Để phòng ngừa tình trạng phù chân do bệnh lý tăng huyết áp, BS Phan Chí Thành khuyên chị em nên kiểm tra huyết áp trước khi mang thai. Nếu có sẵn bệnh lý tăng huyết áp thì cần điều trị, kiểm soát ổn định bởi đây là yếu tố sống còn trong quá trình mang thai và sinh nở. Bên cạnh đó, có những trường hợp vốn không có tiền sử tăng huyết áp nhưng huyết áp lại tăng cao trong quá trình mang thai thì cần được khám và theo dõi sát sao. Thai phụ bị tăng huyết áp có thể làm sàng lọc tiền sản giật để tránh tai biến sản khoa nguy hiểm này.