Lo âu là một phản ứng bình thường của cơ thể khi gặp tình huống căng thẳng, nhưng khi lo âu trở nên quá mức, kéo dài, không kiểm soát đc, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống hàng ngày, khi đó gọi là rối loạn lo âu. TS-BS Trần Thị Hồng Thu- Phó GĐ Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương – Tp Hà Nội khẳng định, lo âu là một phần của cuộc sống, chúng ta cần phân biệt rõ thế nào là là lo lắng bình thường, thế nào là lo lắng bệnh lý. Cần đánh giá sự lo lắng đó có ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống hằng ngày hay không.

Theo BS Hồng Thu, rối loạn lo âu được chia thành 5 loại:

· Rối loạn lo âu lan tỏa

· Rối loạn hoảng sợ

· Rối loạn lo âu xã hội

· Rối loạn ám ảnh cưỡng bức

· Rối loạn stress sau sang chấn

Triệu chứng của bệnh rối loạn lo âu:

· Thường xuyên lo lắng, cảm thấy bất an đối với tất cả mọi hoạt động, sự kiện diễn ra xung quanh, không xuất phát từ bất kỳ nguyên nhân nào, mức độ lo lắng tăng dần theo thời gian, kéo dài tối thiểu 6 tháng.

· Mệt mỏi. Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, không có năng lượng để hoạt động,

· Khó ngủ. Đôi khi rất mệt mỏi và rất buồn ngủ nhưng không thể chợp mắt. Nhiều tình trạng bệnh nhân có thể thức trắng nhiều đêm gây ảnh hưởng đến sức khỏe và càng hoang mang hơn.

· Những người rối loạn lo âu dễ cáu gắt, luôn khó chịu bực dọc, không hài lòng. Hơn 90% người mắc chứng rối loạn lo âu có triệu chứng dễ cáu.

· Dễ bị kích động, phản ứng quá mức với những vấn đề lặt vặt hàng ngày, kèm chân tay run rẩy, tim đập nhanh, khô miệng, lòng bàn tay bị đổ nhiều mồ hôi,…

· Khó tập trung vào công việc nào đó. Từ đó học tập, sinh hoạt, công việc bị trì trệ và ảnh hưởng rất nhiều.

Có những người đau dạ dày vài năm, thậm chí tưởng mình bị đau tim nhưng cuối cùng lại là rối loạn lo âu. BS Hồng Thu cho rằng, đau dạ dày, đau tim thường gặp nhất. Người bệnh lo lắng rất vô lý về những vấn đề không đáng lo, rất khó kiểm soát, không thể gạt đi được. Tình trạng này lặp đi lặp lại, kéo dài liên tục hằng tháng, hằng năm, ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng sống người bệnh và cả gia đình.

Không ít người đã từng khám xét tại nhiều bệnh viện nhưng vẫn không biết chính xác bệnh gì. Theo lời khuyên của chuyên gia, nếu đã được làm hàng loạt xét nghiệm (chẳng hạn điện tâm đồ, siêu âm, chụp chiếu, nội soi… ) loại bỏ được mọi bệnh thực thể, là lúc nên gặp bác sĩ chuyên khoa tâm lý, tâm thần.

Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, rối loạn lo âu cũng có thể điều trị bằng liệu pháp tâm lý. Nếu rối loạn lo âu không được chữa trị triệt để, người bệnh có nguy cơ gặp phải các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần.

"Lo âu kéo dài làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch như tăng huyết áp, nhịp tim nhanh, bệnh mạch vành. Do đó, các bệnh nhân rối loạn lo âu sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim nhiều hơn. Lo âu mãn tính có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, khiến cơ thể dễ mắc các bệnh nhiễm trùng và bệnh lý khác. Ngoài ra, lo âu có thể dẫn đến trầm cảm, tạo vòng luẩn quẩn. Gây khó ngủ, mất ngủ, hoặc giấc ngủ không yên, làm giảm chất lượng sống và sức khỏe tổng thể"- BS Thu cho hay.

Để phòng tránh chứng rối loạn lo âu, người dân nên giảm bớt lo lắng và căng thẳng.

“Thực hành các kỹ thuật thở sâu, thư giãn như yoga, thực hành chánh niệm. Tập thể dục thường xuyên có thể giúp giảm stress, cải thiện tâm trạng và giảm bớt căng thẳng. Ăn uống lành mạnh đủ dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, dành thời gian làm những gì mình thích. Không tự ý dùng thuốc: chỉ nên dùng thuốc theo đơn bác sĩ và không nên dùng thuốc quá thường xuyên. Đặt ra các mục tiêu cụ thể và hành động để đạt mục tiêu sẽ giúp tăng cường tự tin. Quản lý thời gian và biết ưu tiên cho việc quan trọng theo mức độ. Học cách suy nghĩ tập trung vào những điều tích cực trong cuộc sống. Tìm hiểu và phát triển những ý nghĩa sâu sắc trong cuộc sống, từ việc giúp đỡ người khác đến việc phát triển bản thân. Nói chuyện với bạn bè, gia đình hoặc tìm kiếm hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý”- TS-BS Trần Thị Hồng Thu chia sẻ.

Hiểu rõ về rối loạn lo âu sẽ giúp người bệnh nhận ra các triệu chứng và tìm kiếm sự trợ giúp nếu cần thiết. Cần lưu ý rằng lo âu có thể gây ra các triệu chứng thể chất. Nếu lo âu quá mức, gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, chúng ta nên tìm kiếm sự hỗ trợ và điều trị từ chuyên gia sức khoẻ tâm thần.

“Không thể ngăn ngừa hoàn toàn rối loạn lo âu, nhưng có thể giảm nguy cơ mắc phải hoặc giảm triệu chứng của nó bằng cách thực hiện các biện pháp phòng tránh và duy trì một lối sống lành mạnh và cân bằng”- BS Hồng Thu khẳng định.

Mời nghe TS-BS Trần Thị Hồng Thu tư vấn tại đây: