Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trí tuệ nhân tạo đang là công cụ hữu hiệu hỗ trợ bác sĩ nâng cao năng lực, chẩn đoán nhanh, phát hiện sớm những trường hợp mắc lao để đưa vào điều trị kịp thời.

Theo TS- BS Lê Hoàn – Trưởng khoa Nội tiết – Hô hấp, BVĐH Y Hà Nội, hàng năm, bệnh viện tiếp nhận hàng nghìn bệnh nhân nghi mắc lao đến khám bệnh. Riêng trong năm 2022, bệnh viện đã khám sàng lọc 3.000 bệnh nhân, trong đó phát hiện 500 ca mắc lao. Để giúp chẩn đoán nhanh mà không bỏ sót các trường hợp mắc lao ngay ở giai đoạn sớm, hai năm qua, bệnh viện đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo đọc phim X-quang phổi và phim chụp cắt lớp vi tính lồng ngực, hỗ trợ bác sĩ sàng lọc bệnh lao phổi.

Trí tuệ nhân tạo là các thuật toán dựa trên một tập hợp hình ảnh phim X-quang phổi và phim chụp cắt lớp vi tính lồng ngực của rất nhiều trường hợp mắc lao đã được đưa vào hệ thống từ trước.

Khi đưa phim chụp của bệnh nhân nghi mắc lao vào hệ thống, trí tuệ nhân tạo sẽ dựa trên những dữ liệu sẵn có, phân tích khả năng nghĩ đến lao nhiều hay ít. Nếu AI gợi ý bệnh nhân mắc lao, để chẩn đoán xác định, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm như xét nghiệm đờm AFB, xét nghiệm Xpert MTB/RIF, nuôi cấy tìm vi khuẩn lao… Ngược lại, nếu AI phân tích khả năng mắc lao thấp, bác sĩ sẽ hạn chế chỉ định những xét nghiệm không cần thiết và tập trung tìm các bệnh lý khác ở phổi.

TS – BS Lê Hoàn cũng cho biết, trí tuệ nhân tạo đã giúp các bác sĩ nhận định nhanh, chẩn đoán chính xác hơn các trường hợp mắc lao, giảm các sai sót trong chẩn đoán hình ảnh. Đồng thời cũng tiết kiệm chi phí xét nghiệm lao cho cơ sở y tế và giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân.

Mặt khác, bệnh lao phổi có khả năng lây nhiễm rất cao nên việc ứng dụng công nghệ AI vào chẩn đoán, sẽ giúp người bệnh được đưa vào chương trình điều trị sớm, giảm nguy cơ lây lan bệnh cho người khác. “Đặc biệt, đối với tuyến y tế cơ sở ở vùng sâu, vùng xa thiếu các trang thiết bị hoặc không thể thực hiện xét nghiệm đờm hay các kỹ thuật chuyên sâu, khi sử dụng AI trong X-quang phổi, nếu AI hướng đến lao hoạt động thì các bác sĩ sẽ quyết định điều trị lao sớm cho bệnh nhân, tránh bệnh nhân sẽ phải chuyển di chuyển đi đến các nơi khác vừa tốn kém, vừa hạn chế nguy cơ phơi nhiễm.” – TS-BS Lê Hoàn nhấn mạnh.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo là một hướng đi mới được kỳ vọng hỗ trợ chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam. Không chỉ ứng dụng trong chẩn đoán lao, BV ĐH Y Hà Nội sẽ còn tiếp tục áp dụng trí tuệ nhân tạo trong việc chẩn đoán một số bệnh lý khác như ung thư phổi, giúp gia tăng tỷ lệ phát hiện sớm các trường hợp mắc ung thư và nâng cao điều trị hiệu quả bệnh lý nguy hiểm này.