Bộ Y tế phối hợp Bộ Công an, Bộ GTVT, Sở y tế 63 tỉnh, thành cùng các bệnh viện tuyến T.Ư sẽ tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn thực hành cấp cứu cơ bản đối với nhân viên y tế các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông, các lái xe (lồng ghép chương trình đào tạo cấp phép lái xe); các cán bộ giao thông làm việc trên các tuyến đường và một số đối tượng khác.

Qua tập huấn, cơ quan chuyên môn cũng đánh giá thực trạng và nâng cao năng lực cấp cứu và hồi sức cấp cứu cho cán bộ y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và tư nhân, trung tâm cấp cứu các tỉnh, thành, từ đó có các đề xuất phù hợp về nhân lực, trang thiết bị cho công tác cấp cứu tai nạn.

Đây là nội dung đáng chú ý trong kế hoạch "Năm an toàn giao thông 2023" của Bộ Y tế.

Cũng theo kế hoạch này, Bộ Y tế sẽ nâng cấp, đồng bộ, chia sẻ dữ liệu khám sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông, số liệu nạn nhân thương vong do tai nạn giao thông với ngành công an và giao thông vận tải; thực hiện nâng cấp dữ liệu khám sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông, số liệu nạn nhân thương vong do tai nạn giao thông và chuẩn bị thí điểm mô hình trạm cấp cứu tai nạn.

Ngay trong 6 tháng đầu năm nay, các đơn vị đầu mối của các bộ liên quan sẽ hoàn thành phần mềm dữ liệu này, trong đó, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc sẽ trực tiếp thực hiện cập nhật số liệu.

Cũng trong kế hoạch "Năm an toàn giao thông 2023", lần đầu tiên, Bộ Y tế xây dựng đề án mô hình thí điểm đơn vị cấp cứu tai nạn giao thông tại trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc giai đoạn 2023 - 2030, do Cục Quản lý Khám, chữa bệnh là đầu mối, thực hiện trong các năm 2023 - 2024, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, cơ quan y tế sẽ xây dựng video clip hướng dẫn cấp cứu cơ bản cho người dân, đăng tải rộng rãi đến cộng đồng.