Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, sau nhiều tuần liên tục giảm mạnh số ca mắc thủy đậu trên địa bàn thành phố đã tăng nhẹ trở lại, lên 33 ca. Như vậy, tính từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội có 1.911 ca mắc thủy đậu (tăng gấp 11,5 lần so với cùng kỳ năm 2022).
Trong các quận, huyện ghi nhận số ca mắc thủy đậu cao nhất từ đầu năm đến nay, huyện Mê Linh dẫn đầu với 452 ca, huyện Chương Mỹ với 417 ca, huyện Ba Vì có 273 ca, quận Nam Từ Liêm có 187 ca, huyện Thạch Thất có 95 ca, huyện Thanh Oai có 83.
PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện nay các ca bệnh thủy đậu có diễn biến khá phức tạp. Trong một tháng vừa qua đã có những ca tử vong, mặc dù tiền sử bệnh nhân không có bệnh nền. Thủy đậu thường mắc ở trẻ em do không có tiêm phòng, nên chưa có miễn dịch và lây qua đường hô hấp. Nhiều người dân vẫn nghĩ rằng chỉ trẻ em mới mắc thủy đậu nên rất chủ quan, dẫn đến những biến chứng khó kiểm soát.
PGS.TS Đỗ Duy Cường đưa ra khuyến cáo, khi thấy trẻ em mắc bệnh hoặc người xung quanh mắc bệnh, người dân nên có biện pháp phòng bệnh bằng cách đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc vì bệnh lây qua đường hô hấp. Người lớn khi mắc thủy đậu thường có biến chứng nặng hơn và khi phát hiện thường muộn hơn hoặc có chẩn đoán nhầm so với các bệnh khác.
Các trường hợp có sẵn bệnh nền như: ung thư, viêm phổi, suy gan, người sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch, phụ nữ mang thai...là những đối tượng đặc biệt nguy hiểm khi mắc thủy đậu, bởi virus sẽ bùng lên và tổn thương đến các cơ quan trong cơ thể.