Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận bệnh nhân (BN) nữ (60 tuổi, quê Ninh Bình) nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng. Nguyên nhân, BN bị nhiễm nấm Aspergillus fumigatus sau khi ăn mối rang - một món ăn “đặc sản” của địa phương.

BN được điều trị ECMO và các biện pháp hồi sức tích cực.

Kết quả nội soi phế quản phát hiện có nhiều mảng giả mạc thùy dưới phổi 2 bên, giả mạc phát triển trên toàn bộ niêm mạc đường thở tạo nên các đám sùi và các giả mạc đan xen nhau như mạng nhện lấp kín hết lòng khí phế quản.

Tất cả mẫu bệnh phẩm đường thở của BN này đều có kết quả nhuộm soi ra nấm sợi. Kết quả cấy xác định là nấm Aspergillus fumigatus; hình ảnh giải phẫu bệnh giả mạc ra Aspergillus fumigatus tập trung nhiều thành đám.

Do tình trạng quá nặng, BN đã tử vong sau 6 ngày điều trị tích cực.

Theo các bác sĩ của Trung tâm Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bạch Mai, nấm Aspergillus fumigatus là nấm cơ hội ký sinh trên nhiều loài động vật, côn trùng và trong môi trường. Khi cơ thể bị suy giảm miễn dịch (như bệnh nặng…), nấm có cơ hội phát triển và gây bệnh với các triệu chứng rất nặng (đặc biệt là hô hấp) với tỷ lệ tử vong rất cao.

Theo Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, côn trùng là động vật không xương sống, phân bố rộng rãi nhất trên trái đất với hơn 1 triệu loài đã được mô tả (chiếm hơn một nửa tổng số tất cả loài sinh vật sống mà con người đã biết) ở gần như tất cả môi trường sống.

Ở Việt Nam, việc sử dụng côn trùng làm thức ăn có từ lâu, với một số côn trùng như: châu chấu, nhộng tằm, dế, ong, mối, nhộng ve sầu, sâu cây chít, sâu cây dâu, sâu cây sắn dây…, thậm chí còn được chế biến thành những món đặc sản như bọ cạp chiên, châu chấu sốt sa tế, bọ xít rang lá chanh, trứng cà cuống phơi khô để làm bánh ngọt, dế chiên…

Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục An toàn thực phẩm, việc sử dụng côn trùng để chế biến thành thức ăn đã và đang xuất hiện nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người ăn.

Thực tế các năm qua, tại một số địa phương đã ghi nhận các ca ngộ độc do ăn thức ăn chế biến từ côn trùng, ấu trùng như: ngộ độc bọ xít rang, ngộ độc do bọ xít lửa, ngộ độc do ăn sâu ban miêu…

Các dấu hiệu lâm sàng thường gặp trong các vụ ngộ độc do ăn côn trùng là: buồn nôn, nôn, run tay chân, một số trường hợp nặng nôn nhiều, co giật tay chân, chóng mặt, tăng tiết, cứng hàm, kích thích vật vã, khó thở, ý thức lơ mơ, hôn mê, sẩn ngứa, ban dạng mảng toàn thân... và có thể tử vong.

Biểu hiện lâm sàng với các triệu chứng nhẹ hay nặng tùy theo độc tố trong côn trùng, lượng đã ăn vào, và cơ địa người ăn.

Ngộ độc do thức ăn chế biến từ côn trùng từng xác định là do: sử dụng côn trùng đã chết sinh ra độc tố; côn trùng bị nhiễm nấm độc; côn trùng chứa nhựa cây độc như cây cọc rào, cây cỏ lào, thầu dầu tía… (chứa nhóm Alcaloit, nhóm Glucozit…); côn trùng có các chất tiết có độc tố không bị phá hủy khi nấu…

Ngoài ra, côn trùng có nhiều protein lạ gây ra dị ứng với những người có cơ địa mẫn cảm nếu dùng chế biến thức ăn.