Vì sao ung thư gan có tỷ lệ mắc và tử vong cao nhất trong các bệnh ung thư?

Theo Globocan 2020 (Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế), tỷ lệ mắc mới ung thư gan tại Việt Nam là gần 26.500 ca, chiếm hơn 14% tổng số ung thư và 25 nghìn ca tử vong, chiếm hơn 1/5 số bệnh nhân tử vong do ung thư.

GS Đào Văn Long, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa Gan Mật, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, nguyên nhân gây bệnh ung thư gan bao gồm nhiều yếu tố. Trong đó, hai nguyên nhân chính là các bệnh viêm gan virus như viêm gan B, viêm gan C và thói quen uống rượu bia không kiểm soát. Có hơn 80% bệnh nhân ung thư gan là do tiến triển từ viêm gan virus B, khoảng 5% là do virus viêm gan C. Trong khi đó, theo số liệu thống kê có tới 20% dân số Việt Nam nhiễm virus viêm gan B, 5% mắc viêm gan C. Việt Nam cũng là 1 trong những nước có tỉ lệ tiêu thụ rượu bia đứng đầu trên thế giới.

“Cách đây độ 30 – 40 năm, việc phòng chống các bệnh viêm gan B ở nước ta chưa tốt. Do đó, những người nhiễm virus viêm gan B từ vài chục năm trước đã bị tổn thương gan kéo dài và đến bây giờ biến chứng thành ung thư gan. Do đó, giai đoạn này chính là thời kỳ đỉnh cao của ung thư gan tại nước ta” - GS Đào Văn Long lý giải về lý do vì sao ung thư gan vượt qua ung thư phổi và trở thành căn bệnh ung thư hàng đầu hiện nay.

Ung thư gan vốn là căn bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao nhất trên toàn thế giới. Tuy nhiên, tại nước ta, tỷ lệ này còn cao hơn nữa là do phát hiện muộn và việc điều trị không đúng cách.

“Bệnh ung thư gan thường tiến triển âm thầm, không có triệu chứng điển hình nên rất dễ bị bỏ qua. Có một số trường hợp người bệnh thấy chán ăn, mệt mỏi… nhưng các biểu hiện này thường thoáng qua nên người bệnh không để ý. Do đó, nếu không khám sức khỏe định kỳ và tầm soát thì rất khó phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Thực tế cho thấy, phần lớn người bệnh đến khám khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn muộn. Cùng với đó là việc điều trị không đúng cách, có những bệnh nhân đã lựa chọn những phương pháp điều trị không chính thống, phi khoa học… dẫn tới cơ hội sống rất thấp.” – vị chuyên gia về lĩnh vực gan mật cho biết.

Làm thế nào để phát hiện sớm bệnh ung thư gan?

Việc tầm soát, phát hiện sớm ung thư gan có ý nghĩa rất lớn. Nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn đầu, việc phẫu thuật triệt để hoặc ghép gan là phương pháp điều trị mang lại kết quả rất tốt. GS Đào Văn Long cho biết, ung thư gan có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi người. Tuy nhiên, những trường hợp có nguy cơ cao nên tầm soát ung thư gan là:

- Người mắc bệnh gan mạn tính như viêm gan virus

- Người bị tổn thương gan do rượu, gan nhiễm mỡ, xơ gan.

- Người béo phì.

- Người nghiện thuốc lá.

- Người mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa bẩm sinh.

- Người trên 60 tuổi.

Thông thường, những người có nguy cơ cao nên tầm soát ung thư gan định kỳ với tần suất 6 tháng/lần.

Bước đầu tiên của tầm soát các bệnh ung thư là khám lâm sàng. Bác sĩ sẽ đánh giá nguy cơ mắc bệnh ung thư dựa trên cơ sở tuổi tác, yếu tố nguy cơ, tiền sử bệnh tật, tình trạng sức khỏe… để chỉ định các xét nghiệm hoặc kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cần thực hiện.

“Việc tầm soát cũng đơn giản, chẳng hạn như thực hiện một số xét nghiệm chức năng gan hay xét nghiệm marker ung thư gan hoặc các xét nghiệm đặc biệt khác. Đồng thời, ung thư gan cũng có thể được chẩn đoán nhờ kỹ thuật siêu âm. Hiện nay, với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo, siêu âm có thể phát hiện được những khối u với kích thước rất nhỏ, chỉ khoảng vài ba milimet. Nếu thấy xuất hiện những tổn thương khu trú trong gan hoặc khối u trong gan, các bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu hơn như chụp cộng hưởng từ, chụp mạch gan hoặc tiến hành sinh thiết gan để tìm tế bào ung thư…” – GS Đào Văn Long cho biết.

Để phòng ngừa nguy cơ mắc ung thư gan, GS Đào Văn Long khuyên mọi người nên chủ động tiêm phòng vaccine phòng bệnh viêm gan B, nhất là với trẻ sơ sinh. Nếu đã nhiễm virus viêm gan B, viêm gan C thì nên tuân thủ việc theo dõi, điều trị để kiểm soát bệnh. Hiện thuốc điều trị hai căn bệnh này đều nằm trong danh mục thanh toán của bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, thực hiện lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý, sử dụng nhiều rau xanh và trái cây trong bữa ăn hàng ngày, không lạm dụng rượu bia, không hút thuốc lá...cũng là những biện pháp hữu hiệu giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư nói chung và ung thư gan nói riêng.