TS Phạm Đức Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu y tế công cộng và hệ sinh thái (CENPHER), Trường đại học Y tế Công cộng đề xuất tại buổi tọa đàm báo chí về “Chuyển tải thông điệp an toàn thực phẩm tới công chúng thông qua tăng cường hợp tác giữa nghiên cứu và báo chí - trường hợp thực phẩm có nguồn gốc động vật” được tổ chức tại Hà Nội ngày 7/6.

Hoạt động này được tổ chức nhân dịp hưởng ứng Ngày An toàn Thực phẩm Thế giới lần thứ 4 (7 tháng 6 năm 2022) với sự tham dự của khoảng 40 phóng viên và nhà nghiên cứu Việt Nam, từ các ngành khác nhau (y tế, thú y, nông nghiệp). Những ý kiến của các đại biểu đưa ra tại hội thảo nhằm đổi mới cách thức truyền thông các thông điệp về an toàn thực phẩm đến công chúng một cách hiệu quả hơn.

Tọa đàm cũng nằm trong khuôn khổ của dự án “Các phương pháp dựa vào thị trường nhằm cải thiện mức độ an toàn của thịt lợn tại Việt Nam” (gọi tắt là SafePORK) do Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR) tài trợ, và được đồng tổ chức bởi Trường đại học Y tế Công cộng (HUPH), Hội Nhà báo Việt Nam và Viện nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI).

Thông qua buổi tọa đàm, các nhà nghiên cứu về an toàn thực phẩm cung cấp thông tin chính xác dựa trên nghiên cứu về những thách thức do thực phẩm không an toàn gây ra đối với sức khỏe con người.

TS Phạm Thị Thanh Hoa ở CIRAD (Tổ chức nghiên cứu nông nghiệp phục vụ phát triển bền vững tại khu vực nhiệt đới và Địa Trung Hải) và các đồng nghiệp đã nghiên cứu về tình trạng nhiễm vi sinh vật gây bệnh trong chăn nuôi gia cầm tại 4 tỉnh Hà Nội, Bắc Giang và Quảng Ninh từ 2019 đến 2024. Kết quả nghiên cứu sau 3 năm cho thấy 36%/104 mẫu thu thập được có kết quả dương tính với vi khuẩn Salmonella, 100%/114 thu thập được nhiễm vi khuẩn Ecoli.

Đây đều là những nguy cơ dẫn đến mất vệ sinh, an toàn thực phẩm nhưng đáng tiếc là hiện nay vẫn còn nhiều người dân chưa nhận thức được hết những ảnh hưởng của các vi sinh vật trên đối với sức khỏe khi ăn phải cũng như cách phân biệt, nhận diện thực phẩm an toàn.

Chính vì vậy, TS. Phạm Đức Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu y tế công cộng và hệ sinh thái (CENPHER), Trường đại học Y tế Công cộng cho rằng: "Cần có giải pháp kết nối nhà nghiên cứu và cơ quan truyền thông, báo chí, nhằm hỗ trợ, thúc đẩy công tác truyền thông nguy cơ an toàn thực phẩm hiệu quả hơn, đáp ứng được những nhu cầu thông tin của công chúng".