Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, 54 triệu liều vaccine này tiếp tục sử dụng tiêm ngừa ưu tiên cho các khu vực nguy cơ và nguy cơ cao, bao gồm cả Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, dự kiến tháng 10 có hướng dẫn tiêm chủng cho trẻ 12-17 tuổi.

Ông Tuyên lưu ý các địa phương ưu tiên tiêm trả mũi 2 cho các trường hợp đã tiêm mũi 1 và mở rộng tiêm chủng cho các địa phương nhiều khu công nghiệp, đầu mối giao thương, các khu chế xuất, khu du lịch, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thiết yếu, sản xuất, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu…

Về tiến độ tiêm chủng, tính đến ngày 28/9, 12 tỉnh miền Tây tiêm được hơn 3,4 triệu liều trong tổng số hơn 3,7 triệu liều vaccine được phân bổ (đạt 93%), trong đó đã tiêm được 2.775.892 liều mũi 1 và 689.740 liều mũi 2.

Riêng 796.200 liều vừa được phân bổ đang được các địa phương triển khai tiếp nhận, tiến hành tiêm tại địa phương.

Cơ bản các tỉnh đạt tiến độ tiêm chủng đề ra, riêng Hậu Giang (87%), Sóc Trăng (82%), An Giang (82%), Kiên Giang (67%).

12 tỉnh thành miền Tây có từ 15%-35% dân số từ 18 tuổi trở lên đã tiêm ít nhất 1 liều vaccine, cao nhất là Tiền Giang (35%), Cần Thơ (31%), thấp nhất là Cà Mau (17%), Sóc Trăng (18%), Trà Vinh (18%).

Tỉ lệ tiêm đủ 2 liều vaccine trên tổng số dân số từ 18 tuổi trở lên tại Tây Nam Bộ là 4%-8%, trong đó cao nhất là Đồng Tháp, Cà Mau, Hậu Giang đạt mức 8%. Đây là mức khá cao so với nhiều tỉnh thành miền Bắc và miền Trung chưa được phân bổ nhiều vaccine.

Với 54 triệu liều vaccine dự kiến tiếp nhận trong tháng 10, Việt Nam sẽ có khoảng 110 triệu liều tính đến hết tháng 10, nâng tỷ lệ tiêm chủng lên hơn gấp đôi so với hiện nay. Bộ Y tế cũng vừa có văn bản yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng do vaccine chuẩn bị về nhiều.