Theo số liệu của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 4/2022, có trên 85,94 triệu người tham gia BHYT, đạt 88,05% dân số. Mọi người dân tham gia BHYT đều được hưởng những quyền lợi chính đáng như được lựa chọn, thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu; được hưởng chế độ khám, chữa bệnh theo quy định; được Nhà nước hỗ trợ kinh phí tham gia; trẻ em dưới 6 tuổi được cấp BHYT miễn phí…

Nhờ có thẻ BHYT, nhiều trường hợp ốm đau, tai nạn đã vượt qua giai đoạn khó khăn khi được bảo hiểm hỗ trợ chi trả phí phẫu thuật, điều trị. Gần 5 năm sau khi hoàn thành phẫu thuật hở van tim, chị Bàn Thị Nhuận, xã Yên Nguyên huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang sức khỏe đã ổn định. Chị tâm sự, gia đình chị đều là lao động tự do, không có nguồn thu nhập ổn định. Được sự tuyên truyền, hướng dẫn của cán bộ bảo hiểm, nhân viên đại lý thu ở cơ sở, chị cố gắng tham gia đều và đầy đủ BHYT. Nếu không có BHYT, gia đình chị khó có thể chi trả hoàn toàn 150 triệu đồng chi phí phẫu thuật.

Tại khoản 6 Điều 22 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định: “Từ ngày 1 tháng 1 năm 2021, quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng quy định tại khoản 1 điều này cho người tham gia BHYT khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước”. Theo đó, người bệnh tự đi KCB không đúng tuyến tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh, được chỉ định vào điều trị nội trú sẽ: Được Quỹ BHYT chi trả các chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi BHYT và mức hưởng như đi KCB đúng tuyến; Không được sử dụng quyền lợi miễn đồng chi trả khi đã tham gia BHYT đủ 5 năm và có số tiền cùng chi trả > 6 tháng lương cơ sở; Không được tích lũy số tiền đồng chi trả khi đi KCB trái tuyến để hưởng quyền lợi 5 năm 6 tháng. Việc này tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT, có thẻ BHYT, không cần giấy chuyển viện mà vẫn được khám chữa bệnh và được bảo đảm quyền lợi tại các cơ sở KCB tuyến tương đương trên toàn quốc, được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng (như đúng tuyến).

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Trưởng phòng BHYT – Ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam cho biết: Trong năm 2021, quỹ BHYT đã chi trả chi phí KCB cho 126,8 triệu lượt KCB, số lượt người bệnh đi KCB BHYT năm 2021 giảm 24,5% so với năm 2020, trong đó lượt điều trị nội trú giảm 19,5%. Nguyên nhân chủ yếu do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid 19 với các giai đoạn giãn cách kéo dài tại nhiều tỉnh, thành. Tuy nhiên, tỷ lệ nhập viện nội trú, số ngày điều trị bình quân chung, chi phí điều trị bình quân cho 1 lượt KCB vẫn có xu hướng tăng hơn so với năm 2020.

Qua thống kê trên hệ thống giám định của BHXH Việt Nam, năm 2021, tỷ lệ nội trú tuyến tính là 21,7%, tăng 2,3% so với năm 2020, trong khi tỷ lệ nội trú chung của toàn quốc là 9,8%. Số người tự KCB nội trú trái tuyến của năm 2021 tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh cũng tăng hơn 73% so với năm 2020, số tiền quỹ BHYT thanh toán cho các lượt nội trú, trái tuyến tăng hơn 3,5 lần so với năm trước.

Có thể thấy, sau hơn 1 năm thực hiện chính sách thông tuyến BHYT nội trú tuyến tỉnh, đối với người dân dễ tiếp cận dịch vụ y tế; được KCB tại cơ sở y tế tuyến trên theo nhu cầu; được hưởng quyền lợi BHYT như đi KCB đúng tuyến; giảm thời gian làm thủ tục chuyển tuyến. Đối với cơ sở KCB, khuyến khích chủ động nâng cao chất lượng thu hút người bệnh; có thể giảm tải ở cơ sở KCB tuyến Trung ương.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn bất cập là người dân nhập viện khám chữa bệnh tuyến tỉnh khi chưa thực sự cần thiết, tăng chi từ tiền túi do chi phí bình quân tại cơ sở y tế tuyến trên cao, chi phí đồng chi trả nội trú nhiều hơn; nguy cơ quá tải cơ sở KCB tuyến tỉnh. Mặt khác sẽ ảnh hưởng đến chính sách quản lý KCB của Nhà nước và nguồn lực KCB BHYT vì chỉ số thống kê y tế không phản ánh đúng nhu cầu KCB, mô hình bệnh tật của Việt Nam; gia tăng chi phí từ quỹ BHYT.

Để được biết cụ thể về quyền lợi hưởng BHYT, mời quý vị và các bạn cùng nghe trao đổi giữa phóng viên chương trình với bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Trưởng phòng BHYT – Ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam tại đây: