Tại Việt Nam, so với năm 2015, năm 2020 tỷ lệ sử dụng hút thuốc lá chung giảm từ 22,5% năm 2015 xuống 21,7% năm 2020. Tỷ lệ nam giới hút thuốc giảm từ 45,3% năm 2015 xuống 42,3% năm 2020. Đặc biệt tỷ lệ hút thuốc thụ động cũng giảm đáng kể tại các địa điểm như: nơi làm việc, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, trên phương tiện giao thông công cộng và khu vực trong nhà.

Theo kết quả khảo sát hành vi sức khỏe học sinh Toàn cầu tại Việt Nam do Tổ chức Y tế thế giới thực hiện năm 2019, tỷ lệ hút thuốc trong học sinh trong độ tuổi 13-17 từ 5,36% năm 2013 xuống 2,78% năm 2019, đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong việc ngăn ngừa hút thuốc lá trong giới trẻ.

Để tiếp tục thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Luật PCTH thuốc lá) và Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5/2022, Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25/5 đến ngày 31/5/2022, Bộ Y tế đề nghị tiếp tục thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá, xây dựng môi trường không khói thuốc tại nơi làm việc tại cơ quan bộ và các cơ quan, đơn vị trong ngành. Đưa tiêu chí không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn thi đua của cán bộ, viên chức và người lao động của cơ quan, đơn vị. Giám sát thường xuyên việc thực thi quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc của cơ quan bộ, ngành, đoàn thể và các đơn vị trực thuộc.

Các bộ, ngành, đoàn thể tùy theo tình hình dịch bệnh COVID-19 để lựa chọn và tổ chức các hoạt động phù hợp, thiết thực hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ 25-31/5.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm, trong đó hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động. Hút thuốc lá cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh về đường hô hấp.

Sử dụng thuốc lá cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống. Theo Tổ chức Y tế thế giới việc sử dụng thuốc lá thải ra môi trường mỗi năm khoảng từ 3.000 đến 6.000 tấn formaldehyde, từ 12.000 đến 47.000 tấn nicotine và từ 300 đến 600 triệu ki-lô-gam chất thải độc hại của các mẩu thuốc lá. WHO cho rằng, các tác động môi trường của việc sử dụng thuốc lá gây thêm áp lực không cần thiết đối với các nguồn tài nguyên vốn đã khan hiếm, đặc biệt đối với các nước đang phát triển do hơn 80% số người sử dụng thuốc lá là tại các nước này.