Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội vừa bắt quả tang một cơ sở bơm tạp chất vào tôm tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai. Trung bình mỗi tháng cơ sở này cung cấp hàng tấn tôm bơm tạp chất cho các nhà hàng trên địa bàn Hà Nội. Theo ước tính của cơ quan chức năng, mỗi con tôm sau khi bơm tạp chất tăng trọng lượng 10 -15%. Vì thế, cứ 10kg tôm được bơm tạp chất bán ra thị trường cũng đồng nghĩa có 1 - 1,5kg tạp chất trong đó.

Trước đó, lực lượng chức năng tỉnh Sóc Trăng cũng bắt quả tang 08 đối tượng về hành vi bơm tạp chất vào tôm sú. Tại hiện trường, lực lượng chức năng lập biên bản tạm giữ trên 100 ký tôm, 01 máy nén hơi, 50 lít tạp chất đã pha chế cùng một số tang vật khác có liên quan. Lô hàng này sau khi tiêm xong dự kiến sẽ chuyển về tỉnh Bạc Liêu để tiêu thụ.

Theo giá bán trên thị trường hiện nay, 1kg tôm loại to có giá dao động từ 500.000 - 600.000 đồng/kg. Vì thế, nếu tiêu thụ trót lọt khoảng 100kg tôm đã bơm tạp chất, chủ hàng có thể gia tăng đáng kể khoản tiền lãi cho mình. Đây là hành vi gian lận thương mại. Nhưng bên cạnh việc mất tiền oan, người tiêu dùng còn ăn phải tôm bẩn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Thật - giả lẫn lộn, đe dọa bữa ăn hàng ngày của người dân.

TS Trần Thị Dung - Chuyên gia về công nghệ chế biến và bảo quản thủy sản cho biết, thông thường các cơ sở này sẽ dùng bột rau câu để bơm vào tôm giúp tăng trọng lượng và kích thước từ đó trục lợi từ túi tiền người tiêu dùng. Điều đáng nói, khi tôm có chứa tạp chất lạ, nhất là dạng lỏng sẽ tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh phát triển, đặc biệt là các vi khuẩn gây bệnh thổ tả, thương hàn, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa. Bên cạnh đó, nếu nguồn nước sử dụng để hòa tan tạp chất không đảm bảo vệ sinh thì tỷ lệ vi khuẩn sẽ càng tăng cao.

Loại tôm thường được nhiều thương lái bơm tạp chất là loại tôm sú, tôm càng, có kích thước lớn và giá cả cao. Những loại tôm có kích cỡ nhỏ thường không bị bơm tạp chất. Nếu chỉ nhận biết qua màu sắc, người tiêu dùng gần như không thể phân biệt được tôm bơm tạp chất và tôm sạch. Người tiêu dùng nên để ý một số đặc điểm sau:

- Phần đầu tôm: Tôm đã bị bơm tạp chất thường có phần đầu bị phù, thậm chí nhô hẳn lên so với thân. Nắp mang phồng, ngậm nước.

- Phần thân: Tôm có tạp chất có phần vỏ bụng đốt một hoặc đốt 3 (tính từ đầu xuống đuôi) bị trương phồng, ngậm nước, sờ tay vào thấy nổi vẩy.

- Đốt thứ 3 bị giãn, thân tôm bị căng, thậm chí căng tròn mất tự nhiên.

- Phần đuôi: Dấu hiệu tôm bị bơm tạp chất tại phần đuôi tương đối dễ nhận biết, đó là gai đuôi vểnh, cánh đuôi xòe.

- Bóc vỏ đầu ức: Cầm tôm dốc đầu xuống dưới, dùng tay bóc vỏ đầu ức tôm để lộ ra phần thịt đầu. Dùng mũi dao nhọn khéo léo lật và gạt khối gạch (gan tụy) lên để lộ xoang đầu ức. Quan sát tình trạng xoang đầu ức có đọng chất dịch khả nghi hay không. Nếu là tôm tự nhiên sẽ không có dịch.

- Bóc vỏ thân tôm: Sau khi bóc vỏ thân tôm, cần chú ý quan sát vẻ bề ngoài của thân tôm, đặc biệt ở các đốt thịt thứ 3, 4 và 6 xem có biểu hiện của sự phù nề các đốt cơ hay không. Ở những thân tôm bị bơm tạp chất, có thể thấy rõ các đốt cơ bị phù nề không tự nhiên. Đối với tôm bị bơm nhiều tạp chất, dùng kim châm vào vị trí bụng hay lưng đốt cơ bị phù nề và lấy tay nặn có thể thấy tạp chất đùn ra.