Sở Y tế TP.HCM đang đề xuất UBND TP tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3 cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, người có nguy cơ cao vào hai tháng cuối năm 2021. Sang năm 2022, dự kiến tiêm mũi 3 và mũi 4 cho người đủ thời gian theo quy định của Bộ Y tế.
PGS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế công cộng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y-Dược TP Hồ Chí Minh cho biết, miễn dịch chống lại Covid-19 bao gồm kháng thể và tế bào T và B có trí nhớ miễn dịch. Theo đó, kháng thể đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ chúng ta không bị mắc Covid-19 có triệu chứng, còn các tế bào T và B miễn dịch có vai trò bảo vệ không bị Covid-19 nặng hoặc tử vong.
Dựa trên số liệu về kháng thể ở người đã được tiêm vaccine, ước tính kháng thể chống Covid-19 sẽ giảm đi phân nửa sau 108 ngày (khoảng 15 tuần). Vì vậy giả sử hiệu lực vaccine chống lại mắc Covid -19 có triệu chứng ở thời điểm ban đầu là 90% thì hiệu lực này sẽ chỉ còn 70% sau 6 tháng.
Việc suy giảm miễn dịch chống lại người nhiễm Covid-19 có triệu chứng (dù không tăng nguy cơ bệnh nặng hay tử vong) sẽ làm tăng nguy cơ truyền nhiễm Covid-19 trong các cơ sở y tế và cộng đồng. Vì vậy việc tiêm vaccine mũi 3 cho những người này là cần thiết.
Ngoài ra, ở người cao tuổi, người mắc bệnh nền hoặc sử dụng vaccine có hiệu lực thấp thì do khả năng duy trì miễn dịch có thể kém hơn nên hiệu lực vaccine phòng diễn tiến nặng khi mắc Covid-19 cũng giảm theo thời gian.
Tuy nhiên, PGS Đỗ Văn Dũng lưu ý việc tiêm mũi tăng cường cũng nên quan tâm đến tính "sẵn có".
"Nếu ở nhiều địa phương còn nhiều người cao tuổi chưa được tiêm mũi 2 thì nên ưu tiên phân bổ vaccine cho những người này trước khi tiến hành tiêm mũi 3 cho người cao tuổi tại TP.HCM", PGS Đỗ Văn Dũng nói.
PGS Đỗ Văn Dũng cho biết theo lý luận khoa học, loại mũi tiêm tăng cường nào là phù hợp thì phải dựa trên nghiên cứu thực nghiệm.
Các nghiên cứu cho thấy vaccine tăng cường (mũi 3) cùng loại vaccine cơ bản (mũi 1 và mũi 2) đối với Pfizer, Moderna và AstraZeneca.
Số liệu khoa học công bố gợi ý có thể thay đổi chéo loại vaccine mũi 3 và vaccine mũi 1, 2 giữa các vaccine Pfizer, Moderna, AstraZeneca.
Nghiên cứu trên quy mô hẹp hơn cho thấy có thể tiêm chéo giữa vaccine VeroCell và AstraZeneca hay VeroCell và Pfizer (nghiên cứu ở Thái Lan); giữa vắc xin Sputnik V và AstraZeneca (nghiên cứu ở Nga).
Riêng vaccine VeroCell của Sinopharm (Trung Quốc) tuy an toàn cao nhưng hiệu lực có thể hơi yếu ở người cao tuổi. Vì vậy nếu liều cơ bản là vaccine VeroCell nên được tiêm mũi tăng cường bằng vaccine công nghệ mới như AstraZeneca hoặc Pfizer.
Từ ngày 08/3/2021, TP.HCM bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine cho lực lượng tuyến đầu chống dịch là những nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.
Theo lãnh đạo Sở Y tế TP, đến nay đã có khoảng 75.400 người là lực lượng chống dịch và nhân viên y tế của TP và lực lượng được huy động trên cả nước được tiêm đủ vaccine (riêng TP.HCM có 55.000 nhân viên y tế tham gia chống dịch đợt 4).
Còn đối với người cao tuổi, mắc bệnh nền... đã bắt đầu tiêm vaccine mũi 1 vào những ngày cuối tháng 7. Như vậy, tính đến nay, thời gian bắt đầu tiêm mũi 1 cho những người đầu tiên của lực lượng tuyến đầu đã khoảng 8 tháng; còn với người cao tuổi mắc bệnh nền khoảng 3 tháng.
Theo khuyến cáo của các nhà khoa học, thời điểm tiêm mũi nhắc lại ít nhất sau 6 tháng kể từ khi tiêm mũi thứ hai.