90% người nhiễm virus viêm gan không biết về tình trạng bệnh

Sau khi sinh con được 6 tháng, chị Nguyễn Thị Duyên ở Hà Nội bắt đầu thấy sức khỏe suy yếu với các triệu chứng như viêm phổi, vàng da, vàng mắt, chán ăn. Khi đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới - BV Bạch Mai, chị Duyên được các bác sĩ thăm khám và chẩn đoán mắc viêm gan B. Đây là điều khá bất ngờ bởi suốt quá trình làm thụ tinh trong ống nghiệm, mang thai và khi sinh nở, chị không hề biết về tình trạng nhiễm virus viêm gan của bản thân. Nhập viện để điều trị viêm gan cấp, chị Duyên rất lo lắng, không biết liệu bệnh có chuyển thành viêm gan mạn tính hay không và về lâu dài cần phải theo dõi, điều trị ra sao.

Tương tự như chị Duyên, chỉ khi thấy xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, gầy sút cân, ăn uống khó tiêu, anh Nguyễn Văn Hùng ở Hà Nội mới đi khám và được chẩn đoán mắc viêm gan C. Khi mới được phát hiện, anh Hùng chưa có biểu hiện xơ gan. Tuy nhiên, qua nhiều năm điều trị không triệt để kèm theo chế độ ăn uống, sinh hoạt không hợp lý, đến nay gan của anh đã bị xơ hóa. Sức khỏe suy kiệt, anh Hùng phải nhập viện thường xuyên hơn, chi phí điều trị cũng vì thế mà tốn kém hơn. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, việc điều trị đối với anh Hùng cũng chỉ giúp làm chậm tiến trình xơ gan mà không thể phục hồi chức năng gan như cũ, điều đó đồng nghĩa chất lượng sống của người bệnh cũng giảm sút rất nhiều.

Theo một số nghiên cứu, tỷ lệ mắc viêm gan virus ở nước ta vào khoảng 10 - 15% dân số - một tỉ lệ rất cao so với thế giới. Tại Việt Nam, bệnh viêm gan đứng thứ ba trong số các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. PGS-TS Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong 5 loại virus viêm gan, bao gồm viêm gan A, B, C, D và E thì virus viêm gan B và viêm gan C gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe con người nhiều nhất. “Ước tính, Việt Nam có khoảng 10 triệu người nhiễm virus viêm gan B và 1 triệu người nhiễm virus viêm gan C và đây là gánh nặng bệnh tật rất lớn. Đáng chú ý, có tới 90% người nhiễm virus viêm gan không biết về tình trạng của bản thân, vì thế khi phát hiện ra thường đã ở giai đoạn muộn.” - PGS-TS Đỗ Duy Cường nhấn mạnh.

Lý giải về điều này, PGS-TS Đỗ Duy Cường cho biết, viêm gan là căn bệnh diễn biến âm thầm với biểu hiện không rõ ràng. Ở giai đoạn sớm, nếu không xét nghiệm máu để sàng lọc thì rất khó phát hiện ra. Khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng như vàng da, vàng mắt, chán ăn…thì thường đã ở giai đoạn muộn. Đồng thời, có những trường hợp dù phát hiện nhiễm virus viêm gan nhưng thấy sức khỏe bình thường nên không theo dõi và điều trị.

Khi bị nhiễm virus viêm gan, ban đầu, người bệnh thường không có triệu chứng. Bệnh nhân sẽ trải qua giai đoạn nhiễm virus cấp. Trong khoảng thời gian 6 tháng đầu, virus sẽ đào thải, phần lớn bệnh nhân sẽ tự khỏi nhưng có khoảng 10% trong số đó sẽ chuyển sang mạn tính. Nếu phát hiện muộn và không điều trị khoảng sau 5-10 năm, bệnh sẽ tiến triển nặng hơn, dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Ngoài ra, nếu không được phát hiện điều trị sớm thì người nhiễm virus viêm gan cũng có thể là nguồn lây cho người thân và cộng đồng.

Viêm gan virus - phòng ngừa và điều trị thế nào?

Để tầm soát, sàng lọc bệnh viêm gan virus, PGS-TS Đỗ Duy Cường hướng dẫn mọi người nên thực hiện xét nghiệm máu tìm virus viêm gan.

Nếu được phát hiện nhiễm virus, tùy thuộc vào các triệu chứng, độ tuổi và sức khỏe của người bệnh, cũng như tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định biện pháp theo dõi, điều trị phù hợp nhằm ngăn chặn tổn thương gan, kiểm soát các triệu chứng và biến chứng của bệnh, ngăn chặn sự lây lan do virus viêm gan gây ra.

PGS-TS Đỗ Duy Cường nhấn mạnh, với viêm gan B mạn tính, bệnh nhân phải điều trị lâu dài và được quản lý tại các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở đi. Do đó, bệnh nhân cần được khám, kiểm tra định kỳ, uống thuốc đầy đủ, tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa.

Bệnh viêm gan C mạn tính có thể được chữa khỏi. Hiện nay có nhiều loại thuốc dùng cho điều trị viêm gan C mạn tính, trong đó có nhiều loại thuốc thế hệ mới, hiệu quả cao và ít tác dụng phụ hơn. Thời gian điều trị được rút ngắn chỉ còn khoảng 3 - 6 tháng.

Đặc biệt, hiện nay các thuốc điều trị bệnh viêm gan B và viêm gan C đều được bảo hiểm y tế thanh toán nên giảm được phần lớn gánh nặng về kinh tế cho người bệnh và gia đìình

PGS-TS Đỗ Duy Cường cũng khuyến cáo, người bệnh không tự ý ngừng thuốc đột ngột, không sử dụng các loại thuốc nam, thuốc lá để tự điều trị nhằm tránh hiện tượng virus kháng thuốc hoặc làm tình trạng tổn thương gan nặng hơn và dẫn đến suy gan.

Với bệnh viêm gan B, tiêm vaccine là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới: trẻ nhỏ cần tiêm vaccine phòng viêm gan B mũi đầu tiên càng sớm càng tốt sau khi sinh (trong vòng 24 giờ đầu). Khi trẻ đủ 2 tháng tuổi thì tiêm các mũi tiếp theo, khoảng cách tối thiểu giữa 2 liều là 1 tháng.

Người lớn chưa có kháng thể với viêm gan B (AntiHBs âm tính) cũng có thể tiêm 3 mũi vaccine viêm gan B theo trình tự 1 - 2 - 3, trong đó mũi 2 cách mũi đầu 2 tháng và mũi 3 cách mũi đầu 3 tháng. Có thể tiêm nhắc lại sau mỗi 5, 10 năm hoặc khi xét nghiệm không thấy còn kháng thể.

Phụ nữ trước và sau khi có thai cần được khám sàng lọc và kiểm tra xem có nhiễm virus viêm gan B hay không để điều trị kịp thời tránh lây sang cho con. Trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm virus viêm gan B cần được tiêm được tiêm vaccine và huyết thanh phòng viêm gan B càng sớm càng tốt.

Với viêm gan C, hiện chưa có vaccine phòng bệnh. PGS-TS Đỗ Duy Cường hướng dẫn để phòng ngừa căn bệnh này, mọi người nên chú ý không sử dụng chung bơm kim tiêm hoặc các vật dụng cá nhân dễ gây chảy máu như dao cạo râu, bàn chải đánh răng; nhân viên y tế tránh tiếp xúc trực tiếp với máu và các chế phẩm máu. Khi muốn làm đẹp như xăm môi, lông mày, xăm hình, xỏ khuyên nên thực hiện ở những cơ sở đảm bảo an toàn, vệ sinh, sử dụng kim xăm dùng một lần để tránh lây nhiễm virus.