Báo cáo của WHO cho thấy cứ bốn người mắc bệnh răng miệng, có ba người sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Các trường hợp mắc bệnh răng miệng trên toàn cầu đã tăng thêm 1 tỉ trong 30 năm qua. Đây là một dấu hiệu cho thấy nhiều người không được tiếp cận với các biện pháp phòng ngừa và điều trị các bệnh răng miệng, theo Hãng tin Reuters.
Các bệnh răng miệng phổ biến nhất là sâu răng, bệnh nướu răng nghiêm trọng, rụng răng và ung thư miệng. Trong đó, sâu răng không được điều trị ảnh hưởng đến gần 2,5 tỉ người.
Khoảng 380.000 ca ung thư miệng mới được chẩn đoán hằng năm, theo Hãng tin Reuters.
Cũng theo WHO, chi phí tự trả lớn và không có sẵn thiết bị nha khoa chuyên dụng cao tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu là hai trong số những lý do dẫn đến tỉ lệ mắc bệnh răng miệng cao, đặc biệt là ở các nước nghèo.
"Sức khỏe răng miệng từ lâu đã bị bỏ quên trong y tế toàn cầu, nhưng nhiều bệnh răng miệng có thể ngăn ngừa được", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết.
Hiện nay, WHO đề xuất các quốc gia đưa các dịch vụ chăm sóc sức khỏe răng miệng công bằng vào kế hoạch quốc gia. Đồng thời tích hợp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe răng miệng vào các mô hình chăm sóc sức khỏe ban đầu của họ.
Năm 2022, Đại hội đồng Y tế thế giới đã thông qua chiến lược toàn cầu về sức khỏe răng miệng, với tầm nhìn bao phủ sức khỏe răng miệng toàn cầu cho mọi cá nhân và cộng đồng vào năm 2030.
Hiện nay, một kế hoạch hành động chi tiết đang được WHO xây dựng để giúp các quốc gia biến chiến lược toàn cầu thành hiện thực.