TS Nguyễn Thị Thúy Vân, chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết: Kể từ khi phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên ở Việt Nam cách đây 30 năm và trong 30 năm qua, Bộ Y tế và Chương trình quốc gia phòng chống HIV/AIDS đã mở rộng chương trình điều trị cho người nhiễm HIV.

Những người nhiễm HIV khi được chẩn đoán thì sẽ được điều trị, chính vì vậy tỷ lệ những người nhiễm HIV nói chung đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong ở người nhiễm HIV do các bệnh nhiễm trùng cơ hội nặng, bệnh truyền nhiễm còn khá cao. Nếu điều trị sớm thì tỷ lệ tử vong sẽ giảm đi nhiều.

Nếu các bệnh đồng nhiễm, đồng mắc như bệnh lao, viêm gan virus không được phát hiện và điều trị sớm thì không thể giảm tỷ lệ tử vong ở người HIV. Việt Nam chúng ta là một trong những nước có tỷ lệ gánh nặng bệnh tật cao liên quan đến viêm gan virus, trong đó có viêm gan B và viêm gan C.

Đối với người nhiễm HIV tỷ lệ mắc viêm gan B và đặc biệt viêm gan C rất cao so với quần thể khác nói chung và việc tiếp cận điều trị viêm gan C vẫn còn rất hạn chế. Nguyên nhân là việc điều trị viêm gan C chưa sẵn có ở tuyến huyện và những nơi đã sẵn có như bệnh viện tuyến tỉnh thì người bệnh còn nhận thức hạn chế về điều trị viêm gan C. Một phần quan trọng đó là việc điều trị viêm gan C có chi phí khá cao và người bệnh chưa có khả năng chi trả, chính vì vậy tỷ lệ tử vong do viêm gan C ở người nhiễm HIV vẫn chưa giảm.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng có tới 80-90% những người tiêm chích ma túy bị nhiễm virus gây viêm gan C, điều này là do đường lây truyền virus viêm gan C khá giống với đường lây truyền HIV đó là lây truyền qua đường máu, qua đường tình dục, từ mẹ sang con. Nhưng chủ yếu là lây truyền qua đường máu và ở đây là nhóm tiêm chích ma túy do sử dụng chung bơm kim tiêm. Tỷ lệ lây nhiễm HIV trước đây chủ yếu tập trung ở nhóm tiêm chích ma túy và gần đây chuyển sang nhóm khác như nhóm quan hệ tình dục đồng giới.

Trước đây việc can thiệp giảm, phòng HIV và viêm gan C còn hạn chế, nhưng những năm vừa qua với sự hợp tác quốc tế, nỗ lực của Chính phủ, Bộ Y tế... chúng ta đã triển khai nhiều chương trình giảm nhẹ, đặc biệt là chương trình bơm kim tiêm. Trong đó nhóm tiêm chích ma túy được tiếp cận bơm kim tiêm sạch, sử dụng một lần nên tỷ lệ lây nhiễm HIV ở nhóm tiêm chích ma túy đã giảm và việc lây truyền viêm gan C cũng giảm.

Theo TS. Nguyễn Thị Thúy Vân, trong thời gian vừa qua, Quỹ toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét đã hỗ trợ Việt Nam thuốc điều trị viêm gan C ở người nhiễm HIV và người tiêm chích ma túy cho 16.000 người. Hiện nay, chúng ta đang nghiên cứu toàn diện việc điều trị viêm gan C để mở rộng việc điều trị viêm gan C.

Theo đánh giá ban đầu tỷ lệ người bệnh được điều trị khỏi trong dự án này rất cao trên 95% vì các nhóm điều trị rất đặc biệt, một nhóm vừa nhiễm HIV và mắc viêm gan C nên việc tương tác thuốc, điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn, nhóm thứ 2 là đối tượng tiêm chích ma túy vừa dùng Methadone và thuốc điều trị viêm gan C.

Dự án toàn cầu cũng đã triển khai dịch vụ chẩn đoán, điều trị viêm gan C xuống tuyến huyện và đặc biệt lồng ghép vào phòng khám ngoại trú nơi người nhiễm HIV đang điều trị ARV đã tạo điều kiện cho người bệnh điều trị HIV và viêm gan C ở cùng một cơ sở. Thông qua dự án này, sẽ đánh giá được hiệu quả của điều trị viêm gan C ở tuyến huyện và việc lồng ghép điều trị viêm gan C trong điều trị HIV.

TS Nguyễn Thị Thúy Vân cho rằng, để tiến tới loại trừ viêm gan C vào năm 2030 thì chúng ta cần mở rộng xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị viêm gan C ở tuyến huyện.