Bác sĩ Lê Phong – Viện trưởng Viện Nghiên cứu nội tiết nhấn mạnh: đối với bệnh nhân đái tháo đường, việc duy trì lượng đường trong máu ở mức ổn định có ý nghĩa rất quan trọng. Việc để đường huyết tăng quá cao hoặc hạ ở mức quá thấp đều không tốt, đặc biệt hạ đường huyết là một tình trạng cấp cứu, cần được điều trị ngay lập tức.
Các nguyên nhân thường gặp dẫn đến hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường bao gồm:
- Do sử dụng thuốc không đúng. “Chẳng hạn, bệnh nhân tiêm dùng Insulin, bác sĩ ghi là 10 đơn vị nhưng người bệnh nhầm lẫn, lấy luôn 10ml để tiêm và gây ra hạ đường huyết”. BS Lê Phong nêu ví dụ.
– Do bệnh nhân thực hiện chế độ ăn kiêng khem quá mức, ăn ít hoặc bỏ bữa, giờ ăn bị muộn hơn so với thông thường trong khi vẫn uống thuốc hoặc tiêm insulin khiến đường huyết bị hạ xuống thấp.
– Do hoạt động thể lực quá mức bình thường, đường huyết bị tiêu thụ quá mức, gây nên hạ đường huyết.
– Do cơ địa nhạy cảm của bệnh nhân. Chính vì thế, trước khi kê đơn thuốc hạ đường máu cho bệnh nhân sử dụng lâu dài, bác sĩ phải dò liều và điều chỉnh sao cho phù hợp.
Những trường hợp dễ bị hạ đường máu là người cao tuổi, phụ nữ có thai và trẻ em.
Khi bị hạ đường huyết, ban đầu người bệnh cảm thấy mệt, chân tay bủn rủn, da nhợt nhạt, vã mồ hôi lạnh, cảm giác cồn cào trong ruột, mạch nhanh, huyết áp tăng nhẹ, run cơ, chóng mặt…
Khi đường máu của bệnh nhân mà dưới 3,6 đến 2,8 là ở mức độ nguy kịch, người bệnh thấy tim đập nhanh, bắt đầu xuất hiện những cơn co giật và đi vào hôn mê ở các mức độ khác nhau và có nguy cơ tử vong nếu không được can thiệp kịp thời.
BS Lê Phong hướng dẫn, ngay khi thấy những dấu hiệu ban đầu như cảm thấy mệt, choáng váng, vã mồ hôi người bệnh nên nhanh chóng ăn uống những thực phẩm có đường như kẹo, bánh quy, nước đường, nước hoa quả, sữa… Đồng thời, bệnh nhân nên tạm dừng việc sử dụng thuốc hạ đường huyết và liên hệ ngay với bác sĩ để được hướng dẫn cách xử trí tiếp theo.
“Ví dụ bệnh nhân thường tiêm Insulin lúc 5h chiều mà cơn hạ đường huyết xảy ra lúc 3h chiều thì chúng ta phải dừng lại và báo ngay cho bác sĩ, thậm chí đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý” – BS Lê Phong lưu ý.
Để phòng ngừa biến chứng hạ đường huyết, BS Lê Phong khuyến cáo bệnh nhân đái tháo đường nên lưu ý những vấn đề sau:
-Thứ nhất là tuân thủ việc điều trị, bao gồm sử dụng thuốc đúng liều, đúng giờ, đều đặn hàng ngày và thực hiện chế độ ăn uống theo hướng dẫn của bác sĩ, không nên kiêng khem quá mức
-Thứ hai là bệnh nhân phải tự theo dõi được đường máu lúc đói và đường máu sau khi ăn 2 giờ đồng hồ để báo với bác sĩ điều trị nhằm giúp bác sĩ điều chỉnh liều lượng thuốc cho phù hợp.
- Thứ ba là tập thể dục thể thao với mức độ vừa phải, không tập luyện quá sức. Trong khi tập luyện hoặc khi đi ra ngoài, đi chơi xa, người bệnh nên mang theo bên mình một số bánh kẹo hoặc nước ngọt, để dùng ngay trong trường hợp bị hạ đường huyết.
Mời nghe chương trình Cùng bạn sống khỏe với chủ đề "Phòng ngừa và xử trí hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường" tại đây: