Thể thao Việt Nam mới chỉ có 3 suất chính thứ dự Olympic, thuộc về Trịnh Thu Vinh (bắn súng), Nguyễn Thị Thật (xe đạp), và Nguyễn Huy Hoàng (bơi). Điểm sáng tiếp theo nằm ở môn cầu lông. Năm 2023 chứng kiến màn trình diễn thăng hoa của Nguyễn Thùy Linh. Việc tiến sâu tại các giải đấu thuộc hệ thống World Tours Super đã giúp tay vợt sinh năm 1997 lần đầu tiên lọt vào top 20 thế giới, đồng thời gần như chắc chắn đủ điều kiện tham dự Thế vận hội sắp tới. Ngày 30/4/2024, danh sách các tay vợt giành vé dự Olympic sẽ được công bố dựa trên bảng xếp hạng “Race to Paris”. Lúc này, Thùy Linh đang xếp thứ 15 và cô đang phấn đấu để lọt vào Top 14 để được xếp hạt giống, nhờ đó tránh gặp phải những đối thủ mạnh nằm trong top 10 thế giới ở vòng bảng.
Ở nội dung đơn nam, Nguyễn Hải Đăng và Lê Đức Phát đang đặt quyết tâm cao trên hành trình tranh suất đến Paris. Hai tay vợt này cần lọt vào top 70 thế giới để hiện thực hóa mục tiêu. “Em và anh ấy hiện giờ cũng là hai người cạnh tranh tấm vé Olympic, nhưng mà ngoài cuộc sống thì tụi em vẫn là hai người bạn với nhau. Rất nhiều người hâm mộ cầu lông Việt Nam sẽ đặt câu hỏi là: Nguyễn Hải Đăng sẽ làm được gì cho cầu lông Việt Nam? Em cũng có áp lực. Mục tiêu của em năm 2024 là cố gắng đoạt vé đi Olympic, bên cạnh đó thì em cố gắng lọt vào Top 50 thế giới” - Hải Đăng chia sẻ.
Tương tự, đội tuyển bắn súng đã có một suất dự Olympic của nữ xạ thủ 23 tuổi Trịnh Thu Vinh (10m súng ngắn hơi nữ), và vừa nhận nhiệm vụ có thêm từ 1-2 vận động viên tranh tài ở Paris, thậm chí là phấn đấu có huy chương tại Thế vận hội. Gương mặt được kỳ vọng nhiều nhất, không ai khác, chính là Phạm Quang Huy - đương kim vô địch ASIAD nội dung 10m súng ngắn hơi nam. “Sự mong chờ của mọi người là đương nhiên, mình đã từng đoạt HCV ASIAD rồi, mà giải Vô địch châu Á mà giải tranh vé Olympic, cũng cố gắng hết sức để đạt kết quả cao nhất, cũng hy vọng có vé. Mong ước là như vậy nhưng khi tham gia giải, trong giải chỉ có 8 người vào chung kết thôi, 8 người đấy họ sẽ có cơ hội tranh vé Olympic. Mình không may lại chỉ đứng thứ 9, còn về số điểm thì thậm chí còn cao hơn ASIAD, tức là mình đã cao rồi mà người ta còn cao hơn” – Quang Huy cho biết.
Chưa thành công ở giải Vô địch châu Á 2023, Quang Huy sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội đến Olympic tại giải Vô địch châu Á 2024, khởi tranh vào tháng 1 năm sau tại Indonesia. Ngày 26/12, 11 tuyển thủ bắn súng cũng đã lên đường sang thành phố Jakarta để tập huấn và sớm làm quen điều kiện thi đấu. Chuyên gia Park Chung Gun tự tin nhận định đội tuyển “có nhiều cơ hội” để giành thêm suất chính thức tham dự Olympic.
Đối lập với cầu lông hay bắn súng, sự tự tin không xuất hiện ở môn điền kinh. Giới chuyên môn đánh giá, niềm hy vọng lớn nhất là tổ tiếp sức 4x400 nữ, bắt buộc phải có “đột phá thành tích” ở các giải tuyển chọn sắp tới mới có hy vọng tranh vé. Trong trường hợp không có suất chính thức, đội tuyển điền kinh sẽ phải đợi một tấm vé vớt.
“Theo kinh nghiệm của tôi thì để lấy được chuẩn là gần như vô vọng, chưa nói đến yếu tố thành phần của đội tiếp sức đã bị rơi rụng. Quách Thị Lan quay trở lại tập luyện thì như thế nào? Vấn đề tâm lý sau quá trình phải nghỉ thi đấu thì như thế nào? Hai, ba VĐV trẻ đã tương đương với thời điểm mà đội mạnh nhất chưa? Ở thời điểm đó thì chúng ta vẫn còn đang chấp chới, đội hình 4x400 hỗn hợp đứng thứ 17, chúng ta cũng hy vọng rằng có đội nào đó bị rớt ra ngoài để chúng ta lên, chúng ta đang ngồi chờ, chờ để xét vé vớt” - Tiến sĩ Dương Đức Thủy, nguyên HLV trưởng ĐT Điền kinh quốc gia, nêu quan điểm.
Các môn thể thao khác cũng đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm suất dự Olympic. Với Cử tạ, 3 lực sỹ được kỳ vọng là Trịnh Văn Vinh, Nguyễn Trần Anh Tuấn và Phạm Thị Hồng Thanh. Taekwondo vẫn dồn sự đầu tư cho Trương Thị Kim Tuyền (49kg nữ), nữ võ sĩ 27 tuổi này sẽ đấu thêm 4 giải quốc tế vào năm 2024 để tích lũy điểm. Ở môn Boxing, Nguyễn Thị Tâm, Hà Thị Linh và một số tay đấm khác sẽ dự 2 lượt vòng loại Olympic, tháng 2 tại Italia và tháng 3 tại Thái Lan. Đội đua thuyền Rowing cũng được kỳ vọng lớn, mục tiêu đặt ra là giành ít nhất 1 suất chính thức.
“Đối với bộ môn Đua thuyền thì chúng ra rất mạnh về thuyền nhẹ, thuyền đơn, tuy nhiên ở nội dung này thì cũng có chút khó khăn. Chúng ta kỳ vọng lớn nhất tại giải Vô địch châu Á, là giải tuyển chọn nhưng cũng là giải mở rộng, các VĐV chưa đoạt suất ở châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, đều có quyền tham gia, tạo nên sự cạnh tranh rất lớn. Với bắn cung, chúng ta rất kỳ vọng nhưng cũng chỉ còn một giải để thi đấu. Đấu kiếm thì còn 3 giải để tích điểm. Thể dục dụng cụ đã ký kết với phía Nhật Bản để chúng ta định hướng cho một số VĐV, như Khánh Phong, đoạt suất. Ngoài ra còn một số nội dung khác như cử tạ trong Top 10 thì có thể tham dự được, VĐV Trịnh Văn Vinh sẽ phải nỗ lực để duy trì vị trí thứ 8” - PGS.TS Đặng Hà Việt, Cục trưởng Cục TDTT đánh giá.
Danh sách các VĐV giành vé sẽ được chốt vào khoảng tháng 4/2024, quỹ thời gian không còn dài để thể thao Việt Nam hoàn thành chỉ tiêu 12 đến 15 suất. Điều này đồng nghĩa các VĐV và HLV phải nỗ lực từng ngày để đạt phong độ cao nhất trên hành trình tới Paris 2024.