Ký ức tiên phong, khát khao vượt ngưỡng…

PV: Thưa ông Dương Đức Thủy, ngày Thể thao Việt Nam 27/03 cũng là dịp tôn vinh các gương mặt thể thao xuất sắc. Cá nhân ông hồi còn thi đấu cũng đã có nhiều lần được bầu chọn là VĐV, rồi HLV tiêu biểu toàn quốc?

Ông Dương Đức Thủy: Trong sự nghiệp của tôi, quá trình làm VĐV thì tôi cũng đã được vinh dự được anh em phóng viên báo Đài bình bầu là một trong 10 VĐV xuất sắc năm mùa giải. Trong đó có năm 1980 khi tôi tham dự Olympic Moscow, còn từ 1982 đến 1985 là 4 lần. Sau này trên cương vị là HLV thì tôi cũng được bình bầu hai lần là HLV tiêu biểu.

PV: Năm 1980 khi mà ông tham dự Olympic Moscow thì quá trình ông tham dự và thi đấu diễn ra như thế nào? Và ông có kỷ niệm sâu sắc nào ở kỳ Olympic đó?

Ông Dương Đức Thủy: Bản thân tôi từ năm 1978, ở tuổi 17, đã được gọi lên đội tuyển điền kinh, sau đó tôi được cựu HLV đội tuyển lúc đấy là chú Đoàn Kim Phách có nói là, Thủy ơi, bây giờ sắp tới cháu sẽ lên tuyển, cháu lựa chọn chạy ngắn hay các môn nhảy? Nếu chạy ngắn thì cháu sang bên chú, còn nếu lựa các môn nhảy thì về với thầy Vũ Đức Thượng. Thì sau một ngày suy nghĩ thì tôi nói là chú ạ, cháu xin về môn nhảy. Sau đó gần một năm tập luyện, kiểm tra, tôi được sang tập huấn ở Bungary và Liên Xô cũ, sau đó tôi phá kỷ lục của chính thầy mình là HLV Vũ Đức Thượng. Nhưng là giải không chính thức nên chưa được công nhận. Rồi vòng loại Olympic, tôi bị đau cơ nên kém kỷ lục của thầy 5cm. Đến Asiad 1982, khi chúng ta hòa nhập với châu Á, thì bác trưởng đoàn Bùi Tử Liêm có nói vui là Thủy ơi, nếu như ở giải này, không phá kỷ lục thì đừng nói chuyện với bác nữa, và kỳ đó thì tôi đã phá kỷ lục. Lúc đấy ở môn nhảy ba bước có 9 VĐV, Dương Đức Thủy đứng thứ 6 mà chú Đoàn Kim Phách phải dẫn Dương Đức Thủy đi kiểm tra Doping, bởi vì mình là người bé nhỏ nhất tỏng tất cả những VĐV Trung Quốc, Ấn Độ… thì ban tổ chức nghi ngờ, tại vì sao, cao có 1m67, nặng 58 kg, mà nhảy xa đến 14m99, yêu cầu mình đi kiểm tra Doping, đấy là kỷ niệm.

PV: Còn khi ông nắm cương vị HLV đội tuyển điền kinh quốc gia, rồi sau đó là chuyên viên phục trách bộ môn Điền kinh của Tổng cục TDTT, giai đoạn đó, theo ông có điểm nhấn nào mà ông cảm thấy tâm đắc nhất?

Ông Dương Đức Thủy: Đây là câu hỏi rất sâu sắc. 22 năm qua, khi bắt đầu bước chân về Ủy ban TDTT, thực sự cực kỳ khó khăn, lúc đó chúng ta mới có 3 HCV SEA Games, 2001, Phạm Đình Khánh Đoan 2, Phan Thị Tú Lan 1, sau đấy 2003 tại Việt Nam, chúng ta có 8 HCV, nhưng tất cả mối liên hệ đấy nó rất là lỏng lẻo, và 2005 khi chúng tôi sang Philippines thì rất nhiều anh em có nói là đem quân đi đánh xứ người, thậm chí phóng viên Lan Phương của báo Thanh niên có hỏi là anh Thủy ơi, nếu như SEA Games này anh không hoàn thành nhiệm vụ thì anh thế nào? Tôi trả lời là nếu như không hoàn thành nhiệm vụ thì tôi xin làm đơn từ chức! Và cuối cùng chúng tôi cũng hoàn thành nhiệm vụ. Nói như thế để các bạn hiểu, trong quá trình hội nhập, trong quá trình 2003, 2005 cho đến bây giờ, khi điền kinh Việt Nam lên ngôi vị số 1, 20 năm qua rất nhiều địa phương không tin tưởng, rất nhiều nhà chuyên môn không tin tưởng, bởi vì trong tiến trình để phấn đấu, rút ngắn khoảng cách, thì tôi có trình với chú Nguyễn Hồng Minh, lúc đó là Vụ trưởng rằng, thưa chú trong điền kinh có hai khái niệm khoảng cách, một là dài, hai là cao, phải chỉ rõ dài là bao nhiêu, cao là bao nhiêu. Và thực sự cho đến giờ phút này, có những ý tưởng phải âm thầm thực hiện trong 20 năm để hoàn thành được nhiệm vụ. Đến giờ phút này, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban TDTT Hà Quang Dự có nói là, chú rất là hãnh diện đã tiếp nhận cháu về Ủy ban TDTT, bởi những điều cháu hứa thì cháu đều thực hiện đúng.

Cởi trói đề phát triển - nhìn từ Triathlon…

PV: Chia tay môn điền kinh trong đỉnh cao vinh quang, và bây giờ với tinh thần không dừng lại thì ông Dương Đức Thủy lại dành đam mê cho môn Olympic khác là Triathlon. Chúng ta biết môn này xuất hiện ở Việt Nam hơn 10 năm nay rồi, tuy nhiên tầm phổ cập nhiều hạn chế. Theo ông đâu là trở ngại lớn nhất?

Ông Dương Đức Thủy: Giải Triathlon đầu tiên là ở Hội An, năm 2006, lúc đó là toàn bộ những người du lịch sang, trong đấy có cả những VĐV phong trào, họ xin phép tỉnh Quảng Nam cho tổ chức, toàn bộ kinh phí họ bỏ ra hết. Đấy là tiền đề. Sau đó thông qua vài người bạn, chúng tôi họp ở khách sạn Melia, đấy là cuộc họp đầu tiên, và là tiền đề mình trình bày với anh Hoàng Quốc Vinh, anh Trần Đức Phấn, sau đó mình bắt đầu xúc tiến, nhưng trong quá trình thành lập liên đoàn thì trong 2 năm Covid nên bị chậm trễ đôi chút. Bước đầu tiên là chúng tôi cố gắng vận động để đưa vào SEA Games 31, bước thứ hai là đẩy được vào Đại hội TDTT toàn quốc, đấy chính là nền tảng để cho các địa phương tin tưởng rằng đây là môn thể thao Olympic, đã được lãnh đạo Bộ phát triển, đấy thực sự là bước khó khăn. Một khi gỡ được nút thắt ấy thì các địa phương sẵn sàng đầu tư. Đặc biệt, đây là một trong những môn hoàn toàn 100% xã hội hóa.

PV: Ngoài góc nhìn chuyên môn quản lý ra, chúng ta cũng cần ghi nhận những sứ giả, như là HLV Phạm Thúy Vi hay VĐV Lâm Quang Nhật… Ông đánh giá như thế nào về vai trò, về những đóng góp của những người như là Phạm Thúy vi hay Lâm Quang Nhật?

Ông Dương Đức Thủy: Chúng ta nhắc đến Phạm Thúy Vi, Lâm Quang Nhật, là những VĐV đội tuyển bơi, chuyển sang môn này, đấy chính là tiền đề. Nhưng khi chúng tôi muốn phát triển môn này thì có khá nhiều người phong trào, không hiểu yếu tố khi tham dự SEA Games là phải giành được huy chương, đấy là lý do khi trao đổi trong Liên đoàn, tôi nói là phải dựa vào các VĐV. SEA Games 2019 tại Subic, Philippines, ba môn phối hợp lần đầu tiên tham dự mà rất may mắn có HCĐ. Đấy là điều khiến tất cả anh em trong Liên đoàn lâm thời rất là hào hứng. Và khi mà đăng lý với lãnh đạo Tổng cục, Bộ, thì bản thân tôi hồi đi làm vẫn mạnh dạn đăng ký có HCV.

PV: SEA Games 31 tới đây, Triathlon như ông khẳng định có cửa giành HCV, và trong trường hợp đó thì chúng ta có thêm sức bật nữa. Vậy thì lộ trình sau SEA Games của Triathon Việt Nam sẽ như thế nào?

Ông Dương Đức Thủy: Cái khó đầu tiên là các địa phương, thậm chí khi chúng tôi gửi phiếu tham dò ý kiến về cho các địa phương thì có nơi gọi điện hỏi, anh ơi, môn này ở trong Đại hội có mấy bộ huy chương? Tôi nói có 9 bộ huy chương, 3 Dual, 3 Tri, 3 Aqua, tức là các nội dung đơn và có tiếp sức, thì anh ấy bảo, anh ơi, em tưởng chỉ có mỗi 4,5 bộ, mà nhiều thế à… Các địa phương phải quan tâm đến. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nếu như chúng ta xã hội hóa toàn diện, thì đấy là không phải nhiệm vụ của Nhà nước, đấy là nguồn lực xã hội, miễn không vi phạm Luật TDTT. Giờ phút này chúng ta có Thu Nhi, vô địch WBO thế giới, nếu như chúng ta không dựa vào xã hội hóa thì khẳng định luôn là trình độ VĐV chúng ta ở môn Boxing không thể nào tiến triển được. Ví dụ khác, giải Việt dã báo Tiền Phong, 27/03 năm nay ở Côn Đảo, nếu như không vì điều kiện khách quan như khách sạn, đi lại, chắc chắn không dưới 10 nghìn người đăng ký, mà họ nộp tiền để được tham dự, chứ không phải để được huy chương hay không. Giờ phút này các bạn vào các trang mạng xã hội, có thể thấy rất nhiều hội những người chạy cự ly dài, hội Triathlon, rất là nhiều. Đấy là tiền đề để chúng ta phát triển thể thao đỉnh cao, bởi vì chủ trương của Đảng và Nhà nước là xã hội hóa toàn diện.

PV: Nhắc đến ngày 27/03, là một nhà vô địch nhảy xa, một cựu tư lệnh điền kinh, và hiện giờ là người mở đường cho môn Triathlon, ông có chia sẻ gì, có tâm sự nào với ngành thể thao Việt Nam, nhân ngày kỷ niệm đặc biệt này?

Ông Dương Đức Thủy: Vâng, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày 27/03 năm 1946 cũng đã phát động phong trào rèn luyện thể dục thể thao và bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã tập luyện rất là nhiều môn thể thao, từ tạ tay, cho đến đi bộ, bơi, bóng chuyền, kiếm, hay bi-a, rất nhiều môn thể thao. Thì tôi cũng chỉ mong muốn là gì, nếu như các bạn mạnh dạn trình bày đề án phát triển môn thể thao, tôi khẳng định không có lãnh đạo Bộ, Tổng cục nào có lý do đề kìm hãm sự phát triển, bởi vì sao, chúng ta đang vận dụng tất cả các nguồn lực của xã hội để môn thể thao đó phát triển. Không chỉ có Triathlon mà nhiều môn thể thao khác, khi chúng ta cởi trói thì chúng ta có cơ hội phát triền rất nhiều, và trên con đường hội nhập với quốc tế, thì tất cả những môn thể thao nào mà quốc tế họ phát triển, thì chúng ta có quyền phát triển, còn nguồn lực, nguồn kinh tế, hay nguồn gì nữa, đó là giao cho Liên đoàn.

PV: Sắp tới đây là SEA Games 31 rồi, trong bối cảnh chúng ta chuẩn bị khá là khó khăn, với các VĐV, HLV, nhiều người là học trò của ông, thì ông có lời nhắn nhủ gì với họ?

Ông Dương Đức Thủy: Trước tiên là đối với môn Điền kinh, tôi có lời nhắn nhủ tới tất cả anh chị em HLV, phải đồng tâm hiệp lực, đoàn kết và sử dụng những phương pháp hiện đại, chỉ đạo thi đấu gắt gao, thì chắc chắn không phải là chúng ta chỉ có 17 HCV SEA Games, có thể có hơn. Thư shai là môn mới, Triathlon, Duathlon, vạn sự khởi đầu nan thì chúng ta vượt qua rồi, lần đầu tiên tham dự ở Philippines đã có HCĐ, giờ này chúng ta phải tiếp bước. Tôi xin chúc môn điền kinh, môn Triathlon, Duathlon, thi đấu hoàn thành nhiệm vụ, và rạng rỡ, vẻ vang trên SEA Games 31 tại sân nhà của chúng ta.

PV: Cảm ơn ông Dương Đức Thủy về cuộc trò chuyện thú vị này, chúc ông thật nhiều sức khỏe để giữ ngọn lửa đam mê của mình!