Ở tuổi 45, anh Trần Văn Quỳnh – hiện là Chủ tịch CLB Bóng đá Kontum đang thi đấu ở giải hạng Ba quốc gia, và Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Café de Măng Đen. Trải qua hành trình cuộc đời đầy rẫy những chông gai, thậm chí thời niên thiếu đã từng phải mưu sinh nơi vỉa hè, trước khi nhận thức được tầm quan trọng của việc học- học nữa- học mãi, dần dần bước vào nghiệp kinh doanh với 3 cột mốc quan trọng. Đầu tiên là mở nhà hàng hải sản, tiếp đó kinh doanh bất động sản, rồi hồi tháng 5 vừa qua chính thức chuyển hướng để phát triển thương hiệu Café de Măng Đen, đem cà phê xứ lạnh từ núi rừng Tây Nguyên ra các thành phố lớn.

Cùng lúc với hành trình hối hả của một doanh nhân “nghĩ lớn – làm lớn”, anh Trần Văn Quỳnh cũng không ngừng nuôi dưỡng tình yêu bóng đá mãnh liệt, từ vai trò Giám đốc đào tạo trẻ của CLB Hoàng Anh Gia Lai, sang Chủ tịch CLB bóng đá Kontum, rồi gây tiếng vang lớn trong làng bóng đá Việt khi trở thành một trong 13 Ủy viên Ban chấp hành Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Hòa nhập ngày càng sâu rộng vào đời sống bóng đá, ủy viên sinh năm 1978 thỏa đam mê với bóng đá trẻ khi từng giữ vai trò Trưởng đoàn ĐT U17 quốc gia, cùng các cầu thủ trẻ đi tập huấn quốc tế ở nhiều nước trên thế giới.

Tự nhận mình là người “Từ núi rừng về phố”, anh Trần Văn Quỳnh chính thức khai trương cửa hàng đầu tiên thuộc chuỗi thương hiệu Café de Măng Đen tại khu vực Mỹ Đình, Hà Nội, đồng thời đang lên kế hoạch để khai trương 2 cửa hàng cà phê khác tại quận Ba Đình và huyện Gia Lâm, vào cuối năm nay.

Cà phê chín và kinh doanh tử tế

PV: Trước hết xin cảm ơn anh Trần Văn Quỳnh đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này, với những sẻ chia đậm chất cà phê và bóng đá. Bản thân anh rất tự hào với chất lượng của những hạt cà phê tại xứ lạnh Măng Đen. Tôi muốn nghe anh nói rõ hơn về niềm tự hào này, bởi thực sự bản thân tôi cũng là người rất mê cà phê?

Anh Trần Văn Quỳnh: Măng Đen là vùng đất có cảnh quan, khí hậu, hệ sinh thái rất là đẹp. Tôi đến Măng Đen cách đây 4 năm, sau quá trình sinh sống thì tôi tìm hiểu, biết đồng bào ở Măng Đen trồng cây cà phê rất nhiều, trồng xen dưới những tán rừng, nương rẫy, ở nơi có độ cao từ 1.200m. Và khi tìm hiểu vefew cà phê thì tôi biết là đa số trồng Arabica – giống cà phê mà thời xưa đã trồng thử nghiệm ở khu vực phía Bắc như Điện Biên, Lai Châu và sau này du nhập vào Tây Nguyên. Thì Arabica là loại cà phê mà thế giới đánh giá rất cao và khi nó được trồng ở nơi có độ cao như ở Măng Đen, cộng với hệ sinh thái rừng Măng Đen còn rất đa dạng, các loại thảo dược, các loại cây quý hiếm còn rất nhiều. Tháng 3-4, khi mà hoa cà phê nở, cũng là mùa nhiều loại hoa rừng nở, các loài ong, bướm thụ phấn chéo, nó tạo cho cà phê Măng Đen một hương vị đặc biệt. Và điều tuyệt vời nhất là cà phê ở Măng Đẻn, đồng bào canh tác hoàn toàn là thuận tự nhiên, không dùng bất cứ một loại hóa chất độc hại nào cả, thậm chí họ không cần tưới nước, bởi lượng mưa và độ ẩm tại Măng Đen rất phù hợp cho cây cà phê sinh trưởng tươi tốt quanh năm.

PV: Cà phê Măng Đen, một đặc sản như anh vừa phân tích, tại sao lại bị lãng quên lâu như vậy?

Anh Trần Văn Quỳnh: Cách đây nhiều năm thì UBND tỉnh Kontum đã có Đề án cà phê cứ lạnh cho bà con đồng bào trồng, nhưng sau đo chưa thành công vì không có người làm thương hiệu, chưa có người đưa được sản phẩm cà phê của Măng Đen ra với xã hội, ra với thị trường, cho nên là bà con bị thương lái ép mua với giá rất là rẻ mạt. Trồng cà phê suốt một năm mà tới vụ mùa thu mua, quả xanh chín lẫn lộn, gọi là hái tuốt đấy, là 5.000 đồng/ 1kg quả, cá biệt có trường hợp thương lái mùa mưa họ ép giá còn có 2.000 đồng/ 1 kg, bà con không đủ tiền công đi hái hàng ngày. Chính vì thế bà con bỏ hoang những rẫy cà phê, thành ra rất là lãng phí. Khi tôi phát hiện ra điều đó thì doanh nghiệp của tôi tiến hành vận động bà con quay trở lại tái canh cây cà phê, hỗ trợ giống má, phân hữu cơ, vi sinh để cho bà con trồng mới, thuê tiến sỹ lâm nghiệp, thực vật học về sâu sát, đồng hành với bà con để hướng dẫn kỹ thuật trồng, canh tác, chế biến cắt tỉa cành, kỹ thuật thu hái quả chín, trái chín mọng. Và năm vừa rồi chúng tôi mua cho bà con với giá thấp nhất là 15.000 đồng, cao nhất là 20.000 đồng/ 1kg, bà con được thụ hưởng sức lạo động tương xứng. Năm nay chúng tôi có hơn 100 hộ đồng bào đã ký với HTX cà phê sạch của chúng tôi để cung cấp cà phê cho chúng tôi, và chúng tôi bao tiêu toàn bộ sản lượng cà phê mà bà con trồng ra trong năm nay và những năm kế tiếp nữa.

PV: Doanh nghiệp của anh đã có vài tháng xâm nhập thị trường Hà Nội, anh đánh giá ra sao về khả năng phát triển cà phê Măng Đen, và bà con ở Măng Đen liệu có thể sống khỏe với cây cà phê?

Anh Trần Văn Quỳnh: Sau khi ra thị trường Hà Nội, tới nay là 4 tháng thì tôi cũng khá bất ngờ khi mà sự đón nhận dành cho cà phê Măng Đen của chúng tôi rất là tốt. Anh có thể nhìn thấy quán của tôi là từ sáng đến tối lúc nào cũng đông vui tấp nập. Ngoài chất lượng cà phê là chúng tôi thu haái 100% quả chín cà phê sạch của bà con, thì bên chúng tôi sáng tạo ra những món đồ uống từ cà phê và trái cây Tây Nguyên. Ví dụ như là món cà phê sầu riêng, chúng tôi phối cà phê Arabica Măng Đen với múi sầu riêng chín của Kontum, ra một loại đồ uống có thể nói là rất đặc sắc, đấy là món mà chúng tôi bán được rất nhiều, khách hành ủng hộ và quay lại rất nhiều. Chúng tôi tin là với chiến lược phát triển đúng, làm cà phê tử tế, làm cà phê sạch, phục vụ chu đáo thì chúng tôi sẽ phủ sóng toàn quốc trong thời gian rất ngắn. Và việc đó sẽ giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm cà phê mà bà con đồng bào trồng ra ở Măng Đen nói riêng, ở Kontum nói chung, sẽ tăng lên mạnh và bà con có thể yên tâm trồng trọt sản xuất để cung cấp hạt cà phê chất lượng cao.

PV: Thời điểm này đánh dấu 4 tháng anh bước vào kinh doanh cà phê, và thời điểm này cũng đánh dấu cột mốc đáng nhớ khác, đó là tròn một năm anh tiếp quản CLB Bóng đá Kontum. Một năm trôi qua, nhìn lại trọng trách chủ tịch thì anh thấy điều gì hài lòng và chưa hài lòng?

Anh Trần Văn Quỳnh: Một năm tôi học hỏi được rất nhiều điều. Tôi cũng đã làm được một số việc nho nhỏ cho bóng đá Kontum như là chúng tôi tổ chức lại CLB bóng đá, gọi là tái thành lập và cũng xây dựng từng bước bài bản. Điều đáng tiếc nhất là mùa giải năm ngoái thì chúng tôi vào đến trận Play-off nhưng mà không thăng hạng được vì để thua 0-1. Năm nay chúng tôi tập trung sớm, xây dựng lại chiến lược bài bản hơn, tập huấn nhiều hơn, thi đấu nhiều hơn để từng bước tiến tới mùa giải hạng Ba, hy vọng là năm nay chúng tôi sẽ hoàn thành được mục tiêu thăng hạng. Và cũng rất là vui khi trong thời gian vừa qua, chúng tôi tham gia giải U21 quốc gia và vào đến Tứ kết. Tôi nghĩ là nếu mà tập trung đủ nguồn lực và làm một cách bài bản chỉn chu thì vấn đề đưa bóng đá Kontum sớm có mặt trên bản đồ bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam sẽ không xa. Tôi tự tin như vậy.

PV: Tự tin trên hành trình nâng tầm CLB bóng đá Kontum, thế còn trách nhiệm với bóng đá Việt Nam thì sao, anh cảm nhận được điều gì sau một năm đảm nhiệm vị trí Ủy viên Ban chấp hành VFF?

Anh Trần Văn Quỳnh: Năm vừa rồi tôi cũng học hỏi được rất nhiều, cũng may mắn được Liên đoàn cử đi làm Trưởng đoàn U17 Việt Nam đi tập huấn tại Qatar, Nhật Bản, tôi học được rất nhiều bài học và tôi cũng đá có những đề xuất để đóng góp rất là thiết thực cho Thường trực Liên đoàn, để các anh cùng tính toán những giải pháp mới cho bóng đá trẻ Việt Nam nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung trong thời gian tới. Tôi luôn cố gắng tận tụy với vốn hiểu biết của mình, với năng lực của mình, cái gì có thể thì tôi luôn luôn suy nghĩ ngày đêm để có thể đóng góp một cách thiết thực nhất cho bóng đá Việt Nam.

Bóng đá xanh – yêu thương phải bằng hành động

PV: Anh đề cao bóng đá trẻ, mà chúng ta biết là bóng đá Tây Nguyên còn có CLB Hoàng Anh Gia Lai. Câu chuyện của đội chủ sân Pleiku, câu chuyện của bầu Đức, mang đến cho anh quan điểm làm bóng đá như thế nào?

Anh Trần Văn Quỳnh: Nếu không có bầu Đức, không có CLB Hoàng Anh Gia Lai, không có Trung tâm huấn luyện Hàm Rồng thì bóng đá Việt Nam chưa có những câu chuyện đẹp đẽ như những năm vừa qua. Với tôi, bầu Đức là tấm gương về làm ăn kinh doanh lẫn con đường làm bóng đá. Tôi cũng may mắn đến với bóng đá từ HAGL, đấy là môi trường đã đào tạo ra tôi, mực dù là trong thời gian rất ngắn mà tôi được bổ nhiệm làm Giám đốc Đào tạo trẻ, Trưởng đoàn các đội trẻ của HAGL, đó là cánh cửa đưa tôi đến với bóng đá Việt Nam. Tôi rất biết ơn bầu Đức và tôi nghĩ là mô hình HAGL là mô hình đáng trân trọng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay chúng ta cần những đổi mới, sáng tạo hơn. Một số Trung tâm đã bắt đầu làm tốt hơn như PVF, như Viettel, hay là với công tác đào tạo trẻ như Nghệ An, Thanh Hóa, Huế, Hà Tĩnh. Tôi nghĩ là chúng ta cần chiến lược tổng thể, các CLB, các Trung tâm đào tao cũng phải tự làm mới mình để phù hợp với bước tiến của thời đại, với sự phát triển của bóng đá thế giới.

PV: Từ anh tôi cảm nhận rõ ràng về phát triển bền vững, xuyên suốt từ cà phê cho đến cách làm bóng đá. Và mới đây tại Đại hội thường niên của Liên đoàn, anh cũng đã nêu ra một số đề xuất về bóng đá trẻ?

Anh Trần Văn Quỳnh: Trong cuộc họp thường niên của Ban chấp hành VFF vừa rồi, tôi có một số đề xuất tập trung đúng, trúng, mạnh hơn nữa vào công tác đào tạo trẻ, cho các đội tuyển trẻ quốc gia. Bóng đá trẻ nó phải là chân đế, nó là nền tảng để chúng ta có thể xây dựng bóng đá một cách bền vững nhất. Thì tôi có để xuất thời gian tập trung đội tuyển quốc gia, các đội tuyển trẻ, trong một năm thì có tối thiếu 3 tháng chúng ta tập trung các cháu lại, có ban huấn luyện thấu hiểu, có đủ thời gian thì mới thấu hiểu được.

Các cầu thủ trẻ có thể làm tour du đấu đá với cac CLB, các trường Trung học, Đại học trên cả nước, sau đó là tập huấn nước ngoài, như năm vừa rồi chúng ta có các chuyến tập huấn ở Đức, Qatar, Nhật Bản. Thi mỗi chuyến tập huấn như vậy nó mang lại rất nhiều giá trị cho các cầu thủ trẻ. Và các cầu thủ trẻ ở nhiều CLB đến với nhau, thì các cầu thủ phải được tập với nhau nhiều, thì ra trường quốc tế, chúng ta mới mong muốn có thành tích được. Việc đỏ rất quan trọng. Đề xuất thứ hai của tôi là tiếp tục xúc tiến liên kết với các Trung tâm đào tạo ở nước ngoài. Việc này thì uy tín của Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn và Liên đoàn trong những năm vừa qua đã làm rất tốt, và chúng ta phải phát huy để liên kết nhiều hơn nữa với các nền bóng đá phát triển, để chúng ta có được những cơ sở tập huấn các đội tuyển nam, nữ, futsal, ĐTQG, đội tuyển trẻ.

PV: Trong đề xuất về việc mở trung tâm đào tạo ở nước ngoài, tôi thấy anh nêu đích danh thành phố Hamamatsu, vậy, vì sao điểm đến lại là Hamamatsu?

Anh Trần Văn Quỳnh: Tôi đau đáu mong muốn có được một trung tâm tâm huấn bóng đá Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản, môi trường mà bóng đá chúng ta có rất nhiều cái để học họ. Và họ có rất nhiều đối tượng để chúng ta tập huấn, thi đấu, để chúng ta nâng cao trình độ kỹ chiến thuật. Và khi tôi đề xuất như vậy thì Thị trưởng thành phố Hamamatsu, cùng nhiều doanh nghiệp Việt Nam, rồi doanh nghiệp liên doanh với Việt Nam đón tiếp, tài trợ cho chuyến đi tập huấn. Tôi đề xuất riêng với các lãnh đạo bên đó về việc có thể cho VFF thuê một khu đất làm Trung tâm, thì có một vị trong Hội đồng thành phố đã ra sân gặp tôi và nói là ở Nhật Bản bây giờ, nhất là thành phố Hamamatsu có nhiều trường Tiểu học, Trung học đang bỏ không do không đủ học sinh đi học. Và những trường đó thường có cơ sở vật chất rất tốt, có nhà thể chất, có bể bơi, và trường nào cũng có một sân bóng đá.

Chúng ta có thể đầu tư thêm vào, chúng ta có thể thuê hoặc mượn, đầu tư thêm cơ sở vật chất, chúng ta sẽ có cơ sở đào tạo của chúng ta ở nước ngoài. Tôi cũng đề xuất lại với anh Trần Quốc Tuấn, anh Tuấn có gọi điện thoại luôn cho chủ tịch Liên đoàn bóng đá Nhật Bản, và nhận được sự ủng hộ tuyệt đối. Thì tôi rất mong muốn trong thời gian sắp tới, nếu mà có chuyến công tác cấp cao nào đó, chủ tịch Trần Quốc Tuấn sẽ đi cùng, sang đặt vấn đề chính thức với phía Nhật Bản, để chúng ta sớm có được một trung tâm tập huấn bóng đá của VFF tại Nhật Bản, không chỉ cho VĐV, mà còn cho Trọng tài, HLV, những người làm công tác tổ chức thi đấu.

PV: Bên cạnh việc mở Trung tâm đào tạo ở nước ngoài, còn có một đề xuất rất mới khác của anh, đó là sớm thành lập Ban kinh tế thể thao của Liên đoàn?

Anh Trần Văn Quỳnh: Ban Kinh tế thể thao sẽ vận dụng được các nền tảng xã hội, có hình ảnh ĐTQG, các thành tích mà chúng ta đạt được, để chúng ta tự làm ra tiền, dần tiến đến câu chuyện bóng đá nuôi bóng đá. Chúng ta đang để trống nền tảng kiếm tiền rất là tốt trong những năm vừa qua. Nhân đây cũng phải khẳng định rằng năm vừa qua, Ban vận động tài trợ của Liên đoàn hoạt động rất tốt thì VFF mới có con số dương như vừa rồi. Nhưng tôi nghĩ rằng việc vận động tài trợ không phải lúc nào cũng thuận lợi, đặc biệt là trong hơn một năm vừa qua là nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam rất là khó khăn, các doanh nghiệp thắt chặt chi tiêu. Trong khi Ban Kinh tế thể thao nếu làm tốt, chúng ta có được tâm thế chủ động, các vật phẩm lưu niệm, các món quà liên quan đến ĐTQG. Người hâm mộ sẽ mua cái đó, và khi người hâm mộ bỏ tiền ra mua để ủng hộ cho ĐTQG thì chính là yêu thương bằng hành động, yêu thương một cách có trách nhiệm với ĐTQG. Đấy là những cái mà chúng ta kiếm tiền rất là minh bạch, đàng hoàng, rõ ràng, chúng ta vận dụng chứ không lợi dụng.

PV: Chính xác là như vậy, tình yêu càng thăng hoa hơn nếu đươc xây dựng trên nền tảng tài chính vững chắc. Chúng ta thấy gần đây CLB Bình Thuận đã phải chia tay bóng đá chuyên nghiệp vì khó khăn tài chính. Ngược lại, anh lại dũng cảm đồng hành với CLB bóng đá Kontum. Vậy động lực của anh là gì, nhất là chủ tịch một đội bóng chắc chắn phải đương đầu với vô vàn áp lực?

Anh Trần Văn Quỳnh: Tôi thấy bóng đá đại diện cho hình ảnh của một địa phương nào đó và với những địa phương còn đang khó khăn như Kontum, các hoạt động văn hóa thể thao của địa phương còn yếu, thì những địa phương như vậy rất cần cáu gì đó để phát triển, để được chú ý đến. Ví dụ như bây giờ có CLB Kontum, thì từ Kontum được nhắc đến nhiều hơn, thì nó cũng góp phấn, nhỏ thôi, nhưng cũng đưa hình ảnh Kontum ra với các địa phương khác, rất nhiều người tìm hiểu, thì mới biết Kontum có đặc sản gì, có khu du lịch sinh thái Măng Đen, có sâm Ngọc Linh, có cà phê xứ lạnh, có đội bóng đang…

Những hành động nhỏ nó sẽ góp phần thúc đẩy cái điều lớn, bóng đá là một phần, giúp thúc đẩy văn hóa thể thao du lịch của địa phương lên. Và tôi rất tâm huyết nếu như cuộc đời tôi làm được việc là đưa đội bóng Kontum lên thi đấu chuyên nghiệp và có tên trên bản đồ bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, xa hơn nữa là các cầu thủ con em người đồng bào Kontum đóng góp cho ĐTQG. Đó là mong ước của cuộc đời tôi, tôi không phải là một người giàu có, tôi là chủ doanh nghiệp rất là nhỏ, làm mọi thứ đều trong khó khăn. Khi tôi làm bóng đá thì tôi phải bán nhà, bán đất đi, chứ tôi không phải là người có nghìn tỷ trong tài khoản ngân hàng để làm những việc đó, nhưng tôi luôn luôn nỗ lực làm chỉn chu nhất, cố gắng nhất có thể. Nhiều lúc cũng rất là áp lực, rất vất vả. Nhưng quan điểm của tôi là dù thi đấu hạng nào thì đội bóng của tôi cũng được đáp ứng những cái tôn chỉ, những cái tiêu chí tốt nhất cho VĐV, từ suất ăn, từ chế độ khi đi thi đấu, tập huấn, lương thưởng, mọi thứ tôi đều cố gắng. Cố gắng thôi, chứ tôi vẫn chưa làm được tốt nhất đâu.

PV: Làm bóng đá đúng là cần rất nhiều tiền, một CLB đề trang trải trong một mùa giải thì tốn nhiều tỷ đồng, anh cũng mới chi ra nhiều tỷ đồng để tài trợ cho giải bóng đá thanh niên sinh viên toàn quốc, anh cũng từng chi ra nhiều tỷ đồng khác để hỗ trợ CLB bóng đá Hải Phòng. Là một doanh nhân, khi chi ra nhiều tỷ đồng cho bóng đá như vậy, anh mong muốn mình có lãi như thế nào?

Anh Trần Văn Quỳnh: Tôi phải nói thật là tôi làm những việc đó mà chẳng hy vọng thu lại cái gì đâu. Tôi chỉ mong muốn bóng đá Việt Nam phát triển, các thế hệ trẻ Việt Nam, đặc biệt như giải bóng đá sinh viên, thi các bạn có thêm sân chơi bổ ích, lành mạnh. Tôi nói thật là tôi phải bán nhà đi để tôi tài trợ giải đấu đó đấy. Hành động như vậy, tôi muốn là gì? Tình yêu bóng đá nó phải bằng hành động, sẽ có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân quan tâm đến bóng đá hơn, các thế hệ trẻ quan tâm đến bóng đá hơn, để chúng ta có một nền thể thao khỏe mạnh, có nhiều thế hệ công dân khỏe mạnh, đóng góp tích cực cho đất nước.

PV: Một doanh nhân hành động quyết liệt và rất mực khiêm nhường. Nhân đây, để khép lại cuộc trò chuyện này, anh sẽ nhắn gửi điều gì đến các cầu thủ trẻ Việt Nam?

Anh Trần Văn Quỳnh: Tôi mong muốn tất cả các cầu thủ trẻ Việt Nam, cái này khi đi với các em, các cháu thì tôi cũng đã nói, đó là chúng ta phải luôn luôn hướng đến hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng trên ngực trái, đấy là niềm tự hào, niềm vinh dự phục vụ Tổ quốc mà các con phải phấn đấu để đạt được điều đó. Muốn đạt được điều đó thì các con phải chuẩn mực ngay từ hành trình đầu tiên. Các con là những công dân được chọn, các con phải cố gắng rèn giũa từ tư cách đạo đức, tác phong nghề nghiệp, biết ơn nghề nghiệp, biết ơn cha mẹ, biết ơn các chủ tịch CLB, các thầy trong ban huấn luyện, đã dạy bảo, chỉ dẫn cho mình được chơi bóng, được có cơ hội được khoán lên mình tấm áo CLB, tấm áo ĐTQG. Hãy luôn luôn hướng đến hình ảnh ĐTQG để mà cố gắng tu dưỡng đạo đức, rèn luyện ý chí. Các con không chỉ là niềm tự hào của gia đình, mà còn là niềm tự hào của Tổ quốc, hãy phấn đấu vì chính cuộc đời mình.

PV: Cảm ơn anh Trần Văn Quỳnh! ./.