Kình ngư 22 tuổi đang hối hả tập huấn ở châu Âu, toàn tâm hướng đến mục tiêu kép SEA Games và Asiad trong năm 2022.

“Cứ bơi thì em cứ nghĩ trong đầu rằng em là một VĐV bơi, nhảy xuống nước chỉ biết bơi thôi ạ, cứ xuống nước thì cứ bơi, bơi lúc nào hết cự ly mới thôi” - bí quyết giản dị mỗi khi hòa mình vào đường đua xanh của Nguyễn Huy Hoàng, có lẽ xuất phát từ chính thời niên thiếu đậm chất sông nước.

Sinh năm 2000 tại xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, Huy Hoàng là con út trong gia đình chài lưới trên sông Gianh. Cha của Huy Hoàng là ông Nguyễn Văn Vinh đã rèn cậu con út tập bơi từ lúc 5 tuổi để phòng đuối nước, rồi khi lên 9 tuổi có thể đi vớt rong dưới sông làm thức ăn nuôi cá lồng bè.

“Cháu Hoàng là út, sinh cháu trên thuyền nhưng mà được mấy tháng thì chuyền lên nhà ngoại ở. Qua đây tôi bắt đầu đi làm nghề thủ công, làm đá, rồi ở nhà thì mẹ con nuôi cá, ban đêm làm thêm nghề lưới chài nữa. Một tháng được cỡ 3-4 triệu là nhiều thôi, trong lúc đó nuôi ăn học 6 đứa con, cũng vất vả lắm. Lớp 5, khi nghỉ hè thì Trung tâm họ đến tuyển, thì lúc đó mới cho cháu đi Đồng Hới học” - ông Nguyễn Văn Vinh cho biết.

Một mình khăn gói xuống TP. Đồng Hới, cậu học sinh lớp 6 Huy Hoàng không ít lần bật khóc vì nhớ nhà, trước khi dần mạnh mẽ hơn để bắt nhịp vào các khóa luyện bơi bài bản. Tố chất của một kình ngư ngày càng phát lộ, Huy Hoàng được giới thiệu đến Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia TP.HCM, rồi không lâu sau chuyển đến “lò luyện bơi số 1 Việt Nam”, đó là Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia ở Cần Thơ.

“Đầu tiên xa gia đình thì cảm thấy rất là buồn, nhưng sau những năm tháng xa gia đình thì em cũng đã quen dần, nên đến bây giờ thì em đã quen với việc đó và có thể thích nghi, hiểu được sống này đôi khi phải rời xa gia đình, và mình phải làm gì đó có ích hơn. Vì sao ba mẹ làm nhiều, vất vả như thể mà không có gì nhiều nên em muốn là sau này mình có thể làm cái gì đó, kiếm được gì đó để có thể cho ba mẹ mua một căn nhà trên thành phố cho nó cao hơn, không có lũ nữa”

Có động lực mạnh mẽ, lại chịu khó rèn luyện, Huy Hoàng bắt đầu gặt hái quả ngọt, mở màn là phá kỷ lục cự ly 1.500m tại Giải vô địch quốc gia 2016. “Rái cá sông Gianh” sang Malaysia vào năm 2017, ngay lập tức về nhất trên đường đua 1.500m dù mới lần đầu dự SEA Games. Một năm sau đó anh sang Indonesia dự ASIAD 2018, về nhì ở nội dung sở trưởng, mang về tấm HCB đầu tiên cho bơi Việt Nam tại đấu trường châu lục. Cũng trong năm 2018, chàng trai Quảng Bình giành HCV 800 m tự do tại Thế vận hội trẻ ở Argentina. Tại kỳ SEA Games thứ hai của mình, Philippines 2019, Huy Hoàng có cú đúp Vàng ở cự ly 400m tự do và 1.500m.

Năm 2021 vừa qua, Huy Hoàng dự Olympic Tokyo ở hai nội dung 800m tự do và 1.500m, lần lượt đứng thứ 20 và 12. Đến giải bơi bể ngắn vô địch thế giới vào cuối năm ngoái ở UAE, Huy Hoàng đạt thông số mới 14 phút 41 giây ở nội dung sở trường 1.500m, phá kỷ lục quốc gia do chính anh thiết lập năm 2019 (14 phút 44 giây 55). Chưa hết, với thông số mới là 3 phút 43 giây 89 ở nội dung 400m tự do, Huy Hoàng cũng vượt qua kỷ lục 3 phút 44 giây 92 mà bản thân tạo ra năm 2019. Theo nhà báo Hữu Bình, Trưởng ban biên tập Tạp chí Thể thao, Huy Hoàng xứng đáng về nhất ở cuộc bầu chọn VĐV tiêu biểu 2021 và điều đó sẽ tiếp thêm sức bật cho kình ngư Quảng Bình ở hai giải đấu lớn sắp tới là SEA Games và Asiad.

“Bơi vẫn là môn mũi nhọn, môn Olympic, tuy rằng Nguyễn Thị Ánh Viên đã rút lui khỏi đội tuyển quốc gia nhưng mà chúng ta vẫn còn một gương mặt cực kỳ nổi bật trong thời gian qua là Nguyễn Huy Hoàng. Chúng ta có thể kỳ vọng trong tương lai gần. Ở Olympic Tokyo thì cả hai nội dung của Hoàng tham dự đều không có VĐV châu Á nào lọt được vào. Niềm hy vọng Huy Hoàng ở kỳ Asiad tới thì rất là sáng” – nhà báo Hữu Bình nhận định.

Huy Hoàng là một trong 9 gương mặt trọng điểm của đội tuyển bơi Việt Nam đang tham dự đợt tập huấn kéo dài 2 tháng ở châu Âu, trước khi về nước vào cuối tháng 4 để sẵn sàng bước vào SEA Games 31. Nói về phương châm để tiếp tục duy trì phong độ và vượt qua chính mình, Huy Hoàng bày tỏ rằng, lúc nào cũng tâm niệm không bao giờ từ bỏ, phải thi đấu thật tốt, gặt hái nhiều thành tích để tạo dấu ấn cho sự nghiệp và cũng là cách chuẩn bị cho tương lai.

Đặc biệt, Huy Hoàng đã trích một phần tiền thưởng của mình để tặng Mái ấm Hướng Phương (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), nơi đang nuôi dưỡng hơn 100 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Theo Huy Hoàng, hoạt động thiện nguyện khiến bản thân có thêm động lực khi thi đấu, và muốn làm được nhiều điều cho xã hội thì phải làm thật tốt công việc của mình, thế nên mỗi ngày anh đều đặt mục tiêu chiến thắng bản thân.

“Sắp tới, em sẽ cố gắng làm sao tại SEA Games, tại Asiad, mình có thể hoàn thành được chỉ tiêu của HLV và đoàn thể thao đặt ra cho em, và em có thể là vượt qua được chính bản thân mình!” – Huy Hoàng chia sẻ.