Thực trạng thể thao Việt Nam cho thấy những tín hiệu tích cực nhưng vẫn còn nhiều thách thức.

Thành tích của TTVN tại SEA Games luôn ổn định trong top 3, và đạt đỉnh Olympic với cột mốc HCV môn bắn súng Olympic 2016 của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Tuy nhiên, ASIAD và Olympic vẫn là “bài toán khó” khi số huy chương thiếu ổn định.

Tầm nhìn 2046

Theo Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt, chương trình chia thành hai nhóm môn: Nhóm 1 tranh huy chương Olympic (bắn súng, cử tạ, cầu lông, boxing...) và Nhóm 2 hướng tới ASIAD (điền kinh, bơi, karate...).

Mục tiêu cụ thể của chương trình được chia thành ba giai đoạn:

+ Giai đoạn 2026-2030: Duy trì top 3 SEA Games, top 20 ASIAD (5-6 HCV ASIAD, 2 HCD Olympic 2028).

+ Giai đoạn 2030-2036: Tiếp tục duy trì vị thế, đạt 7 HCV ASIAD 2034, 1 HCB và 2 HCD Olympic 2036.

+ Giai đoạn 2036-2046: Top 2 SEA Games, top 15 ASIAD, top 50 Olympic, bóng đá nam và nữ đạt các cột mốc quan trọng (tham dự World Cup).

Giải pháp thực hiện cho các mục tiêu này là:

+ Phân nhóm môn thể thao trọng điểm: Nhóm 1 (tranh huy chương Olympic) và Nhóm 2 (tranh huy chương ASIAD).

+ Đầu tư cơ sở hạ tầng (trung tâm huấn luyện hiện đại), hợp tác quốc tế, chính sách hỗ trợ vận động viên/huấn luyện viên

+ Ứng dụng khoa học công nghệ (AI, Big Data), tổ chức sự kiện thể thao lớn (như ASIAD 2038), và phát triển thể thao thành tích cao thông qua xã hội hóa.

Lối đi nào?

Phát biểu tại hội thảo, Trưởng Phòng Thể thao thành tích cao (Cục TDTT), Hoàng Quốc Vinh, cho biết "hàng năm, ngành dự kiến đầu tư khoảng 165 -170 vận động viên trọng điểm ở 17 môn thể thao trọng điểm, với số lượng gồm điền kinh (3), bắn súng (18), bắn cung (9), taekwondo (10), cử tạ (12), boxing (6), đấu kiếm (6), thể dục dụng cụ (6), xe đạp (4), judo (5), vật (5), bơi (5), cầu lông (5), đua thuyền (34), karate (5), wushu (12), cầu mây (18)".

Theo báo cáo của Cục Thể dục thể thao, dự kiến kinh phí phục vụ cho những mục tiêu quan trọng trong giai đoạn 2026-2046 rơi vào khoảng gần 4.000 tỉ đồng:

+ Giai đoạn 2026 - 2030: Khoảng 175 - 180 tỉ đồng/năm/17 môn;

+ Giai đoạn 2030 - 2036: Khoảng 175 - 180 tỉ đồng/năm/17 môn và thêm 10% giai đoạn 2026-2030;

+ Giai đoạn 2036 - 2046: Khoảng 175 - 180 tỉ đồng/năm/17 môn và thêm 10% của giai đoạn 2030 - 2036.

Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao Thành tích cao, nhấn mạnh "thể thao Việt Nam cần thoát khỏi tình trạng dàn trải, tập trung vào thế mạnh thực tế. Trọng điểm môn như vậy vẫn còn nhiều, bởi tất cả các nước mạnh về thể thao trên thế giới đều không có nước nào có tới trên 10 môn thể thao trọng điểm".

"Việt Nam chúng ta trước đây có 10 môn nhóm 1 và 22 môn nhóm 2, như vậy là chúng ta có tới 32 môn trọng điểm, và chúng ta phải rải tiền cho ngần này môn. Vậy tôi đề nghị là chúng ta cần phải rút bớt số lượng môn trọng điểm, thì chúng ta mới có đủ lực đầu tư".

GS. TS Lâm Quang Thành, nguyên Phó Tổng Cục trưởng TC TDTT, nhấn mạnh: "Khẩn trương hoàn thiện việc phân nhóm các môn, nội dung thi đấu và lực lượng vận động viên, bảo đảm phù hợp với thế mạnh, điều kiện của nước ta"

"Cần bám sát xu thế của thế giới, góp phần quan trọng thực hiện được các mục tiêu, định hướng nêu trên; nhanh chóng xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, khả thi về đầu tư, huy động nguồn lực, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, khuyến khích, chăm sóc, đãi ngộ với từng nhóm môn, lực lượng vận động viên. Ưu tiên nguồn lực, đầu tư trọng điểm, chuyên sâu cho lực lượng vận động viên có khả năng giành huy chương ASIAD và Olympic".

Phát biểu kết luận Hội thảo, Cục trưởng Cục TDTT, Đặng Hà Việt, khẳng định: “Với tinh thần trách nhiệm cao, các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao, các địa phương đã mang lại nhiều góc nhìn đa chiều, sâu sắc và có giá trị thực tiễn cao".

"Từ những nội dung thảo luận, có thể khẳng định rằng chúng ta đang có những cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng một Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm bài bản, hiệu quả và mang tính bền vững. Những ý kiến đóng góp tại Hội thảo hôm nay sẽ là nền tảng quan trọng giúp chúng tôi hoàn thiện dự thảo Chương trình trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt".