Dự buổi Lễ có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 9; Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh.

Các tiết mục nghệ thuật tập trung khắc họa khí chất "Năng động - Sáng tạo - Hào sảng - Văn minh - Thân thiện" của con người Quảng Ninh; đồng thời thể hiện niềm tin, khát vọng vào ngày mới cùng chung tay xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh, thể thao Việt Nam ngày càng vươn cao, vươn xa hơn… Ngay sau phần biểu diễn nghệ thuật là nghi thức diễu hành biểu dương lực lượng của 65 đoàn thể thao và nghi thức rước đuốc; tuyên thệ của đại diện lực lượng vận động viên, trọng tài tham gia Đại hội.

Phát biểu khai mạc Đại hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định: "Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 9 được tổ chức nhằm mục đích nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò, tác dụng của công tác thể dục thể thao trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại hội cũng là dịp để đánh giá một cách toàn diện kết quả phát triển sự nghiệp thể dục thể thao, làm tiền đề xây dựng kế hoạch phát triển sự nghiệp thể dục thể thao của nước nhà trong giai đoạn tới. Đại hội cũng là dịp để các vận động viên cùng nhau thổi bùng lên ngọn lửa khát khao chiến thắng, xác lập những kỷ lục mới của thể thao nước nhà”.

Với chủ đề “Vì một Việt Nam cường thịnh”, Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022 là kỳ đại hội có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, quy tụ gần 10.000 vận động viên của 65 đoàn thể thao đến từ 63 tỉnh, thành phố và ngành Công an, Quân đội, tranh tài ở 43 môn thi đấu.

Tỉnh Quảng Ninh là địa phương tổ chức 21 môn thi đấu của Đại hội. Ngoài ra, một số môn thi đấu sẽ được tổ chức tại: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định và Thanh Hóa. Để đảm bảo tiến độ, một số môn thi đấu diễn ra từ trước Lễ khai mạc như: Rowing, Bóng đá nam, Bắn súng... Đến thời điểm này, Đại hội đã ghi nhận hơn 180 HCV. Ngoài bảng xếp hạng toàn đoàn, Ban tổ chức sẽ đánh giá kết quả thi đấu tương tự như cách xếp hạng chung của Đại hội đối với 19 tỉnh miền núi gồm: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hà Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và Kon Tum.

Tại kỳ Đại hội này, Hà Nội và thành phồ Hồ Chí Minh có số lượng VĐV tham dự đông nhất. Bắc Kạn có số lượng VĐV tham dự ít nhất là 10 VĐV, Điện Biên là đoàn có số lượng môn thể thao ít nhất, chỉ với hai môn. Trong số các môn thể thao, futsal có số lượng VĐV đăng kí tham dự nhiều nhất, sau đó là điền kinh, karate. Môn Golf, thể dục dụng cụ và nhảy cầu là những môn thể thao có số lượng VĐV tham dự ít nhất.

Công tác kiểm tra doping sẽ được thực hiện theo đúng quy định nghiêm ngặt. Hơn 60 thành viên của Tiểu ban sẽ đồng hành cùng các đoàn thể thao trong suốt thời gian diễn ra Đại hội; Các trạm thông tin về doping cũng sẽ được bố trí tại các địa phương đăng cai, tại các địa điểm thi đấu đều có trạm lấy mẫu kiểm tra.

Lễ bế mạc sẽ diễn ra vào ngày 21/12 tại nhà thi đấu đa năng tỉnh Quảng Ninh.