Tại cuộc làm việc với VFF, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Đặng Hà Việt cho biết, ngành thể thao cần thêm thông tin để tham mưu lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch và Chính phủ.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Tổng cục TDTT, hiện tại, việc chạy đua đăng cai World Cup 2034 của ASEAN mới chỉ dừng lại ở ý tưởng, chưa có kế hoạch cụ thể. Một trong những yêu cầu quan trọng để tổ chức tốt World Cup là hoàn thiện cơ sở hạ tầng, sân vận động. Với Việt Nam, hiện chỉ có sân vận động quốc gia Mỹ Đình (sức chứa 40.000 chỗ ngồi) cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Trong khi đó, để đăng cai giải đấu lớn như World Cup, Việt Nam cần những sân vận động hiện đại hơn, cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông tốt…

Ngoài ra, để đăng cai một bảng đấu của World Cup cũng cần thêm nhiều sân tập đạt chuẩn FIFA, chưa kể vấn đề an ninh, y tế... Việt Nam phải có đủ ngân sách để làm được điều này và hệ thống cơ sở vật chất kèm các điều kiện khác phải đáp ứng được yêu cầu rất cao từ FIFA.

Một vấn đề khác nữa sẽ không dễ để đưa World Cup về Đông Nam Á, khi trình độ của các đội tuyển có cách biệt khá xa với thế giới.

ASEAN dự kiến sẽ có cuộc họp về kế hoạch trên vào tháng 6 tới. VFF xác nhận Việt Nam vẫn chưa nêu ra ý kiến cụ thể về vấn đề này và cũng chưa nhận được thêm thông tin cụ thể nào từ các quốc gia trong khu vực.

Trong lịch sử các kỳ World Cup đã diễn ra, từng có 1 lần World Cup tổ chức ở 2 quốc gia là Hàn Quốc và Nhật Bản năm 2002. Vào năm 2026, lần đầu tiên sẽ có 3 quốc gia đăng cai, khi Cúp thế giới lần thứ 23 diễn ra ở Bắc Mỹ, với liên minh Mỹ, Canada, Mexico là chủ nhà.

Cũng từ kỳ World Cup 2026, số đội tham dự tăng lên 48 nên việc các quốc gia liên minh để đồng tổ chức được cho là xu hướng, bởi không phải nước nào cũng đủ tiềm lực. Trên thực tế, hướng đến World Cup 2030, đã và đang có những nhóm liên minh ở các châu lục xác nhận hoặc có ý định chạy đua đăng cai. Đó là 4 quốc gia Nam Mỹ gồm Uruguay, Argentina, Chile, Paraguay; nhóm kết hợp liên lục địa giữa Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Maroc; giữa Ai Cập, Hy Lạp, Saudi Arabia.