PV: Thưa anh, là một producer – đạo diễn thực hiện rất nhiều sự kiện âm nhạc thì có lẽ anh cũng từng gặp rất nhiều vấn đề về bản quyền, tác quyền sử dụng âm nhạc trong chương trình. Anh có thể chia sẻ vài điều về chuyện này?

Đạo diễn Vũ Anh Tuấn: Trên thế giới hiện nay, vấn đề bản quyền đang là một vấn đề nhức nhối. Những đạo diễn – producer như tôi luôn muốn được làm đúng luật về quyền lợi của những người tham gia vào bài hát hay tác phẩm. Nhưng để làm đúng là cả một câu chuyện vô cùng dài.

Tôi biết có những công ty chuẩn bị các bản nhạc để đưa lên một chương trình, những bản nhạc đó chỉ 30 – 40 giây thôi nhưng lại thuộc sở hữu của 3, 4 bên khác nhau. Trên thế giới hiện nay, không một bên nào có thể cung cấp 100% tất cả các bản quyền: quyền tác giả, quyền phát hành, quyền bản nhạc... mà người ta sẽ chia nhỏ cho rất nhiều hãng thu, nhiều cá nhân khác nhau.

Có những đoạn nhạc 30 - 40 giây nhưng thuộc sở hữu của 3 -4 bên khác nhau

Để thấy nếu bạn muốn làm đúng, làm đủ về bản quyền cho một ca khúc được biểu diễn bạn sẽ mất rất nhiều thời gian, phải liên hệ với từng người sở hữu các bản quyền khác nhau liên quan đến bài hát đó. Bạn sẽ phải thỏa thuận với từng người xem, với quyền lợi họ đang sở hữu liên quan đến tác phẩm đó thì bạn sẽ phải trả cho họ bao nhiêu tiền?

Trường hợp lý tưởng là thỏa thuận ok hết. Nhưng nếu họ lại còn chưa thống nhất với nhau liên quan đến ăn chia thì gần như bạn sẽ không thể sử dụng được ca khúc đó trong chương trình của mình. Đó là khó khăn chung của những nhà tổ chức chương trình ở khắp nơi trên thế giới.

PV: Nếu có ai đó cố tình nhắm mắt làm ngơ mà vi phạm bản quyền (vấn đề chúng ta vẫn thấy khá thường xuyên ở Việt Nam) thì theo luật quốc tế chắc chắn sẽ bị xử phạt nặng, thưa anh?

Đạo diễn Vũ Anh Tuấn: Bây giờ, đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội, OTT thì họ lại càng làm chặt chẽ. Tôi còn nhớ một kỷ niệm của chính bản thân tôi! Hôm đó tôi dẫn chương trình sự kiện pháo hoa có đội tuyển Ý thi ở Đà Nẵng. Nhạc của họ hay vô cùng! Tôi lại là dân cổ điển nên rất thích những bài nhạc đó. Hôm đó họ phát nhạc nền là một bài của Andrea Bocelli cực hay, trên nền pháo hoa rất đẹp nên cực nhiều cảm xúc. Thế là tôi giơ điện thoại lên livestream luôn.

Đến lúc làm xong, tối về mở điện thoại ra xem lại thì thấy đoạn giữa video phần đội tuyển Ý không hề có tiếng gì cả! Lúc đó mới biết mình bị “đánh” bản quyền rồi! Trên các nền tảng mạng xã hội họ áp dụng những công nghệ trí tuệ nhân tạo AI nhận diện bài hát rất kinh khủng, đừng nghĩ là có thể qua mặt được họ. Sau đấy tôi nghĩ lại thì thấy, giá như hôm đấy không livestream mà chỉ quay và giữ lại cho cá nhân mình, để lúc nào đấy mở ra xem một mình thôi thì đoạn nhạc đấy sẽ không bị mất.

Trước đấy thì tôi cũng luôn nhận thức về vấn đề bản quyền, nhưng cũng không ngờ là luật của họ chặt chẽ đến như vậy. Từ những năm 2005 khi đưa các ban nhạc nước ngoài như West Life hay My Chemical Romance sang Việt Nam tôi đã phải làm việc liên quan đến bản quyền rồi. Hiện nay vấn đề bản quyền lại còn trở nên chặt chẽ hơn nữa.

PV: Trước kia thì vấn đề bản quyền âm nhạc ở Việt Nam bị xâm phạm khá thường xuyên! Thế nhưng từ khi các nền tảng Internet, kỹ thuật số phổ biến thì cũng khiến những người làm nhạc ở Việt Nam hành xử một cách văn minh, hợp với chuẩn thế giới hơn. Đó rõ ràng là tín hiệu đáng mừng chứ, phải không thưa anh?

Đạo diễn Vũ Anh Tuấn: Quá đáng mừng! Chúng ta đều phải có ý thức tôn trọng một sản phẩm nào đó, đặc biệt về sáng tạo. Ở Việt Nam chúng ta đang hơi coi nhẹ những người làm sáng tạo. Tôi không nói riêng một lĩnh vực nào mà ở chung tất cả các lĩnh vực, nhiều sản phẩm sáng tạo của ai đó được thoải mái lấy và sử dụng một cách tự nhiên, không hề lo sợ gì. Những tín hiệu này cho thấy giờ đây khi ai đó định ăn cắp hay lấy sản phẩm sáng tạo của người khác sẽ phải cân nhắc lại!

Ngày xưa, khi chúng tôi gửi một bản đề nghị về ý tưởng chương trình cho khách hàng thì cứ thế đưa, chẳng bao giờ phải suy nghĩ gì! Nhưng bây giờ thì phải đóng logo vào đó để cho thấy đây là sản phẩm của công ty tôi. Bởi vì có những người sau đó lấy luôn bản đó đi thực hiện chương trình, việc đó tôi nghĩ vẫn đang diễn ra hàng ngày đấy.

Tôi còn nhớ, năm 2011 khi làm West Life, tôi hỏi họ rằng: “Tôi mua hẳn một show thế này thì có được bản quyền không?”. Tôi thuê bạn hát, bài cũng là của West Life... thì đương nhiên bạn phải có bản quyền chứ? Ai cũng nghĩ thế. Nhưng tôi đã có kinh nghiệm làm việc với các nghệ sĩ nước ngoài nên tôi rất biết, họ sang đây không có nghĩa là mình nghiễm nhiên có bản quyền để họ hát trước công chúng ở Việt Nam.

Hay một câu chuyện khác, rất nhiều chương trình quốc tế, có nhà tài trợ và họ đề nghị livestream. Tôi hỏi lại: “Có đủ tiền mua livestream không?”, thì họ rất ngạc nhiên: “Mình mời họ sang đây thì phải có quyền livestream chứ?”, tôi bảo bên nhà tài trợ là không có chuyện đấy! Ngoài tác quyền, quyền bản thu, và rất nhiều quyền khác về âm nhạc thì còn một quyền nữa đấy là quyền về sử dụng hình ảnh. Có những nghệ sĩ quốc tế sang đây, khi tìm hiểu thì quyền sử dụng hình ảnh của họ trên truyền hình cao hơn rất nhiều so với việc xem họ biểu diễn trước mặt bạn.

Qua đó mới thấy là họ phân rất rõ các quyền hạn, ở đâu được làm những gì. Không có chuyện tự do đưa hình ảnh của họ lên mạng. Bạn sẽ phải mua quyền đấy, nếu không họ sẽ cắt ngay hoặc kiện luôn!

PV: Xin cảm ơn anh về những chia sẻ vừa rồi!